Thursday, February 8, 2024

Đọc sách và viết lách đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào?


Đọc sách và viết lách đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào?

https://www.facebook.com/hashtag/lilytruong

«Em ơi, có đơn 0 đồng, xuống lấy hàng nhé!».

Một sáng thứ hai, ngay khi nhận được cuộc điện thoại ấy, tôi vội vàng chạy ào xuống cầu thang nhà mình. Lúc thấy tôi thở hổn hển ra đến đầu ngõ, anh shipper tỏ vẻ ngạc nhiên, «Làm gì vội thế, mà mua gì mà hết gần 2 triệu tiền sách thế em??? Anh biết đọc sách là tốt nhưng chưa bao giờ thấy ai mua tới tận một thùng 2 củ thế này đâu!».

Tôi thở không ra hơi, chỉ biết mỉm cười nói «Cảm ơn anh» và khệ nệ bê thùng sách về nhà. Niềm vui của một mọt sách chính là đây, là được kệ nệ mang sách về (sách nặng lắm bạn ạ, thật đấy!) một cuốn sách nặng 3 kg là có thật! Đó là lí do mỗi lần chuyển trọ là mỗi lần tôi cảm thấy bất lực trước chồng sách của tôi), là được unbox, hít hà mùi thơm của giấy, và điều tuyệt vời nhất là được sống trong từng con chữ khi cuốn sách ấy được mở ra.

Từ nhỏ, tôi đã yêu thích văn học kinh điển, dù cho ở độ tuổi ấy, nhận thức của tôi còn quá non nớt, chưa thể hiểu hết những tầng ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Đến giờ khi lớn hơn, tôi đã nhận ra được phần nào giá trị của những tác phẩm để đời ấy. Thông qua bộ lọc khắc nghiệt của thời gian, những tác phẩm kinh điển ấy vẫn tồn tại như một tượng đài bất diệt. Đó là lí do khiến tôi luôn giữ một lòng tôn kính với những tác giả đã khuất. Ngày nay, mặc cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sách vẫn đóng một «món ăn tinh thần» không thể thiếu trong quá trình học hỏi và trưởng thành của tôi. Khoản đầu tư xứng đáng Nếu như hồi nhỏ, bố mẹ sẽ cho tôi tiền để mua sách thì sau 18 tuổi, nếu tôi thích cuốn nào thì phải «tự đi mà mua»(trích lời của mẹ tôi). Vậy nên, từ thời sinh viên, tôi đã đưa ra cho mình một nguyên tắc chi tiêu cố định: luôn dành 20% thu nhập của mình hằng tháng để đầu tư vào sách, bao gồm cả sách giấy, ebook và audio.

Trong khi các bạn đồng trang lứa với tôi chi tiền cho quần áo, mĩ phẩm, du lịch, thì tôi lại chọn tiết kiệm và đầu tư vào sách. Tôi viết ra điều này không phải để chứng minh bản thân mình thượng đẳng hay cao quý gì đâu! Tôi tin rằng mỗi người sẽ chọn cho mình một thú vui riêng và sẵn sàng đầu tư cho thú vui đó. Nếu bạn yêu thích thời trang, hãy cứ đầu tư cho quần áo. Nếu bạn thích trang điểm hãy cứ đầu tư cho mỹ phẩm.

Còn với riêng tôi, tôi tìm thấy niềm vui của mình qua việc đọc sách và viết lách.

Học được gì từ Bill Gates?

Việc đọc của tôi được truyền cảm hứng nhiều từ Bill Gates. Trong loạt phim tài liệu Inside Bill Gates’s Brain (Bên trong bộ não của Bill Gates), tôi đã khám phá ra nhiều điều mới mẻ về thói quen đọc của người đàn ông xuất chúng này. Khi được phóng viên hỏi: «Năm bà 10 tuổi và bước vào phòng ông ấy, bà thấy gì?», Libby MacPhee - em gái Bill trả lời: «Một đống lộn xộn! Toàn là sách, sách và sách! Sách ở khắp nơi. Tôi nghĩ anh ấy có thể ở lì trong đó và đọc suốt cả ngày». Sau này khi điều hành Microsoft, Bill vẫn duy trì thói quen đọc.

Khi đi công tác, ông luôn mang theo bên mình ít nhất 20 cuốn sách, đựng trong một chiếc túi vải to. Bill mang theo chiếc túi đó ở bất kì đâu, bất cứ lúc nào. Ông đọc, phân tích những gì mình đọc và ghi chú. Thay vì đọc một cuốn, ông luôn đọc ít nhất 05 cuốn sách về một chủ đề nhất định. «Điều đáng ngạc nhiên là ông ấy luôn biết nhiều hơn người mà ông ấy nói chuyện cùng về bất cứ chủ đề gì! Thật không thể tin nổi» - Mike Slade - Giám đốc Marketing của Microsoft chia sẻ. Không chỉ dừng lại ở đó, Bill còn sở hữu một trí nhớ siêu phàm, được so sánh như một chiếc CPU. Ông nhớ được 90% những gì mình đọc. Tốc độ đọc của ông khoảng 150 trang một giờ. Khi đi ngang qua một bãi gửi xe, ông có thể nhớ tất cả biển số xe ở đó, thậm chí ông còn nhớ được số điện thoại nhà riêng của một người bạn thời trung học. Qua loạt phóng sự của Bill, tôi nhận ra sự uyên bác và ham học hỏi của ông được nuôi dưỡng từ thói quen đọc ngay từ bé. Ngay cả khi đã trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới, Bill vẫn không ngừng học hỏi.

Với riêng tôi, không có giới hạn nào chính là điều mà tôi nhận ra sau nhiều năm đọc sách. Nhờ đọc, tôi nhận ra sự hiểu biết hạn hẹp của bản thân, sự vô hạn của những điều tôi không biết và chưa biết. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao Bill Gates luôn mang bên mình 20 cuốn sách bất kể ông ở đâu, tại sao ông luôn đọc ít nhất 05 cuốn sách về một chủ đề, chứ không phải là một cuốn, tại sao ông lại đặt ra nghi thức «Tuần suy ngẫm» khi ông chỉ dành thời gian cô độc để đọc và suy nghĩ về hướng đi của Microsoft trong những năm tiếp theo?

Đọc đa thể loại

Khi theo dõi Gatesnotes - blog cá nhân của Bill Gates, tôi nhận thấy rằng Gates không đọc cố định một thể loại mà luôn đọc nhiều thể loại khác nhau. Từ khoa học viễn tưởng, văn học kinh điển, văn học hiện đại đến khoa học, lịch sử, hồi ký… Tôi tin rằng mỗi người đều có một mục tiêu riêng khi đọc sách: có người đọc để giải trí, thư giãn, có người đọc để nâng cao kiến thức, chuyên môn, …

Nếu bạn muốn đọc để mở rộng hiểu biết thì kĩ năng bạn cần có chính là đọc đa thể loại. Tôi nhận ra đọc đa thể loại là một hành trình chẳng mấy dễ dàng khi tôi phải liên tục mở rộng giới hạn của tâm trí. Có những cuốn sách rất khó đọc, có nhiều thông tin cần xử lý. Đôi lúc, chúng đòi hỏi ở tôi phải có kiến thức nền tảng, hoặc sự kiên nhẫn để vừa đọc vừa tra cứu dần. Nhưng cái khó lại có cái giá của nó. ở một góc độ nào đó, tôi không dám so sánh bản thân mình với Bill, sự thông minh, tài năng hay trí nhớ siêu phàm là những điều mà tôi không có. Nhưng tôi biết chắc rằng mình yêu thích việc đọc và viết. Hai việc ấy đem đến cho tôi cảm giác thỏa mãn của sự tiến bộ, hiểu biết, đủ để tôi tiếp tục kiên trì bước đi.

Từ đọc sách tới viết lách

Có một nhà văn đã từng nói: «Khi bạn đã đọc đủ nhiều, đủ lâu, một ngày nào đó, bạn sẽ viết nên câu chuyện của riêng mình». Tôi hiểu câu nói ấy như thế này: Đọc là đầu vào, viết là đầu ra. Khi tích luỹ đầu vào đủ nhiều, bạn có thể biến những gì bạn đọc trở thành chất liệu cho những gì bạn viết.

Stephen King đã có một lời khuyên đắt giá dành cho những nhà tiểu thuyết trẻ: «Nếu bạn muốn trở thành một nhà văn thì bạn cần phải làm hai việc trước tiên: đọc thật nhiều và viết thật nhiều. Không còn cách nào khác ngoài hai việc tôi nhắc tới cả, không có đường tắt đâu.» Tôi đã thử. Và tôi đã được đáp lời. Tất nhiên, việc đọc mà tôi nói đến ở đây không chỉ đơn thuần là mở sách ra và đọc. Đó là cả một quá trình bao gồm: đọc sách, ghi chú vào giấy note, đánh dấu những kiến thức, luận điểm trọng tâm, hệ thống hoá kiến thức vào sổ, lưu trữ thông tin,...

Một vòng lặp bắt đầu xuất hiện: Tôi đọc và tìm ra những ý tưởng tôi thích, sau đó tôi ghi chép để lưu trữ chúng vào sổ. Khi ghi chép, tôi không sao chép y nguyên đoạn văn, đoạn trích trong sách mà diễn đạt lại theo ý chính của mình. Tôi dùng bút màu, giấy note để đánh dấu, và mỗi hành vi tôi tương tác với trang giấy sẽ giúp tôi củng cố ghi nhớ những gì tôi đọc. Tôi gọi cuốn sổ đó là kho ý tưởng. Tiếp theo, tôi sẽ chọn lọc những chất liệu trong kho, kết hợp với những trải nghiệm, vốn sống, góc nhìn cá nhân để tạo thành sản phẩm, là những bài viết, bài chia sẻ. Từ những bài viết ấy, tôi lại nhận được những lời mời hợp tác, những phần thưởng như tiền bạc, vật chất, sự công nhận của độc giả, hay mở rộng mối quan hệ của mình… Tóm lại, cũng giống như bất kì một thói quen tích cực nào khác, đọc sách và ghi chép, không chỉ đem tới cho tôi những giá trị vật chất như tiền bạc, mối quan hệ,.. mà còn là niềm vui nội tại, là cảm giác mỗi ngày tôi thấy mình được làm mới, mình được tiến lên.

Tìm đọc cuốn sách của mình «Chỉ cần bạn tốt hơn 1% mỗi ngày» và quản trị sách đã đọc với Reading Tracker 2024. 

https://www.facebook.com/hashtag/lilytruong

No comments:

Post a Comment