Tuesday, December 12, 2023

Nhân Sinh Quan Của Tôi (Nguyễn Hiến Lê)

 

Nhân Sinh Quan Của Tôi

Nguyễn Hiến Lê

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Hiến Lê đã viết:

Rải rác trong các tác phẩm của tôi, thường đưa ra những suy tư, ý kiến của tôi về nhiều vấn đề, dưới đây tôi lựa và gom lại một số thuộc về nhân sinh quan:

1. Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại quả đã tiến về rất nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy theo khả năng mỗi người.

2. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải vì ý muốn của Thượng Đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.

3. Quan niệm thiện ác thay đổi tùy thời, tùy nơi. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện; cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa, mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội ở thời nông nghiệp, tới thời kỹ nghệ, không còn lợi cho gia đình, xã hội nữa nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thải quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, dân tộc nào văn minh cũng trọng, như đức nhân, đức khoan hồng, công bằng, sự tự do, tự chủ…

4. Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.

5. Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, tề gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.

6. Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.

7. Mỗi người đã phải đóng vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống trong một gia đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quí mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô, mà còn có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nên nhận một chức tước gì của chính quyền.

8. Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, và tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.

9. Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, giản dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.

10. Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.

11. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi, tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của mọi người.

12. Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư, không phải nghề tự do, thì không thể gọi là một xã hội tự do được.

13. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn thì mới giữ được độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.

14. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý, hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì thế nào cũng sẽ mang họa vào thân.

15. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung năm ba năm mới biết rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi chỉ mới thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cá nhân ông bà lẫn cho xã hội. Hiện nay ở Mỹ có phong trào kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà còn có thể gây nhiều xáo trộn trong xã hội.

16. Có những hoa màu sắc vô hương mà ai cũng quí như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường. Chơi hoa tôi thích nhất loại cây cao, có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.

17. Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.

18. Cơ hồ không thể thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già cũng vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích lợi.

19. Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có quy củ, kỷ luật biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm, và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.

20. Thay đổi bản tính loài người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn là chuyện không dễ một sớm một chiều. Thế giới còn những nước nhược tiểu có nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển. Họ còn sống lâu. Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời này đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần.

21. Xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời sau khi giải quyết xong việc này thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay tới quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.

22. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu quá. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

Nguyễn Hiến Lê
(1912-1984)

Sunday, September 3, 2023

Chuyện Trương Lương nhặt giày đắc đạo

  

Chuyện Trương Lương
nhặt giày đắc đạo

https://tinhhoa.net/chuyen-truong-luong-nhat-giay-dac-dao.html

Trương Lương, tự là Tử Phòng, danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Điển cố Trương Lương nhờ cúi mình nhặt giày mà đắc đạo thành danh trở thành câu chuyện kinh điển nhắc nhở con người về chữ Nhẫn.

Anh Quốc, Hàn Tín, Hàn Hà, một trong những mối quan hệ tình cảm với nhau.

Trương Lương thuộc dòng dõi sĩ tộc nước Hàn thời Chiến Quốc, tổ tiên nhiều đời làm khanh sĩ. Ông nội của ông là Trương Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu hầu, Hàn Tuyên Huệ Vương, Hàn Tương Ai Vương; cha ông là Trương Bình làm tướng quốc dưới trướng Hàn Li Vương, Hàn Điệu Huệ vương.

Lúc Tần diệt Hàn, Trương Lương cùng thích khách liều mạng ám sát Tần Thủy Hoàng tại Bác Lãng Sa. Nhưng quả chùy nặng 120 cân của ông đánh nhầm xe tùy tùng nên không giết được vua Tần. Tần Thủy Hoàng nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh truy nã thích khách trên toàn quốc. Anh ta phải cải họ đổi tên, ẩn trốn tại Hạ Bì (một huyện thuộc Giang Tô ngày nay).

Trương Lương được cao nhân thử lòng

Có lần, Trương Lương nhàn rỗi tản bộ trên một cây cầu ở Hạ Bì thì xuất hiện một ông lão từ xa đi tới. Ông lão cố ý tháo một chiếc giày ra, ném xuống dưới cầu, rồi quay lại nói với anh ta: «Tiểu tử, xuống nhặt lên hộ ta!» Trương Lương ngạc nhiên bởi giọng điệu khó nghe của ông lão, định gây sự lại, nhưng thấy ông lão đã lớn tuổi nên chàng cố nhẫn nhịn, lội xuống sông nhặt chiếc giày lên. Ông lão lại giơ chân lên bảo: «Mang vào!» Họ Trương thầm nghĩ: «Dù gì thì mình cũng đã nhặt lên rồi, mang vào cho ông ấy cũng được thôi», bèn quỳ gối xuống xỏ chiếc giày vào chân cho ông lão. Đợi Trương Lương mang giày cho mình xong, ông lão liền cười lớn rồi bỏ đi. Anh ta nhìn theo bóng ông lão khuất xa mà trong lòng không khỏi cảm thấy lạ kỳ.

Đi được một đoạn, ông lão quay lại nói với Trương Lương: «Tên tiểu tử này có thể dạy dỗ được. Năm ngày sau vào lúc sáng sớm, ngươi hãy quay lại đây gặp ta». Trương Lương thấy thâm ý của ông lão khó dò, chỉ biết quỳ xuống «xin vâng» một tiếng.

Có lòng nhẫn nại đắc bảo vật

Năm ngày sau, trời vừa tờ mờ sáng, anh ta đã đến nơi hẹn, không ngờ ông già đã có mặt ở đấy từ lúc nào, trông thấy Trương Lương, ông nổi giận nói: «Có hẹn với người lớn tuổi mà mi lại đến trễ, như vậy có được không? Sáng sớm năm ngày sau hãy đến». Nói xong liền quay lưng đi mất. Qua năm ngày, lúc gà vừa gáy sáng, họ Trương đã đến bên đầu cầu, oái ăm thay ông lão cũng đã có mặt ở đó, ông lão lại trách Trương Lương vì sao đến trễ, bèn đuổi ông về và nói năm ngày sau nữa hãy tới. Lần sau thì anh ấy không dám trễ nữa, nửa đêm canh ba đã lò dò đến bên cầu đứng đợi. Một lúc sau ông già xuất hiện, nhìn thấy Trương Lương, ông bảo: «Phải vậy chứ!».

Sau đó, ông lão lấy ra một cuộn sách tre và nói: «Đọc cuốn sách này có thể làm thầy cho bậc vương giả, sau 10 năm thì có thể nổi danh. Mười ba năm sau con có thể gặp ta ở Tế Bắc, dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng tức là ta đó.» Nói rồi ông lão bỏ đi mất, từ đó Trương Lương không còn gặp lại ông nữa. Trương Lương mang cuộn sách về nhà, đốt đèn lên xem, hóa ra đó là bộ «Thái công binh pháp» đã thất truyền. Trương Lương như đắc được bảo vật, ngày đêm nghiền ngẫm đọc sách. Mười ba năm sau, Trương Lương  cùng Lưu Bang đi qua Tế Bắc, quả nhiên nhìn thấy dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng, anh ta liền mang về. Lúc mất, con cháu của Trương Lương đem thi thể ông an táng cùng tảng đá. Vì vị cao nhân truyền bộ binh pháp ấy cho Trương Lương không để lại danh tính nên hậu nhân gọi ông là Hoàng Thạch Công.

Công Tôn
(Theo Nam Quảng Trung Hoa)

Triết Lý Giáo Dục

 

Triết Lý Giáo Dục

Trần Xuân Thời

Sự học cần thiết cho cả đời sống tinh thần lẫn đời sống vật chất. Mục đích của giáo dục chẳng những để đào luyện con người trở nên giỏi giang về kỹ năng (skill) mà còn tạo cho con người trở nên cao thượng hơn. Hình tội học (criminology) chứng minh là đa số những người liên hệ đến tội phạm có trình độ văn hoá kém, hoặc thuở nhỏ không được giáo dục đúng cách. Vì thế người ta thường nói mở thêm một nhà trường sẽ giúp đóng cửa một nhà tù. «He who opens a school door, closes a prison» (Victor Hugo).

Đặc điểm của người có học vấn 

Họ thường:

(1) Ít lo âu, vì người có văn hóa có thể tiên đoán được sự việc xảy ra và biết cách ứng phó. «Khi vui thì hãy vui nhưng đừng tự kiêu, khi tai họa đến thì phải lo nghĩ mà chớ buồn phiền». Làm người phải biết tỉnh trí, đừng kinh, mới dễ dàng mưu sinh thoát hiểm. «Nhân vô viễn lự, tắc hữu cận ưu». Người mà không biết lo xa, tai họa ắt sẽ gần kề.

(2) Thứ đến, người có học thường tránh được lầm lỗi, vì dễ nhận biết được phải, trái trong các quyết định dân sự hay phương cách bày binh bố trận ngoài chiến trường. Đặc điểm của xã hội dân chủ là khó có sự đồng nhất về tư tưởng vì tôn trọng đa nguyên, bá nhân, bá tánh. Tuy vậy, mặc dù phải, trái đôi khi không do chính mình quyết đoán mà được xét định theo tiêu chuẩn phổ quát hầu như được mọi tổ chức chính trị, tôn giáo, xã hội công nhận để tránh sự hỗn loạn. Đó là nguyên tắc đa số (majority rule), còn gọi là nguyên tắc tôn trọng ý chí chung.

Ý chí chung (the will of the majority) được áp dụng để phân định khi có sự bất đồng ý kiến xảy ra. Quyết định chọn các vị lãnh tụ trong các hội đoàn, tổng thống trong các quốc gia tự do đều được tuyển chọn theo nguyên tắc đa số. Trong lĩnh vực tôn giáo như Đức Giáo Hoàng cũng được chọn theo nguyên tắc đa số. Vấn đề đúng, sai, do đa số quyết định. «What is right or wrong is being determined by the will of the majority» (John Locke), hoặc theo mẫu mực được truyền bá từ đời này sang đời khác qua phong tục, tập quán hay luật lệ chung của xã hội hoặc lấy quyết định giữa chốn đình trung như Hội Nghị Diên Hồng. Trên thế gian, chỉ có các nước độc tài đảng trị lạc hậu, không áp dụng nguyên tắc nhân dân tấn phong cáp lãnh đạo quốc gia qua các cuộc bầu cử tự do, như Trung Hoa, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam…

(3) Thứ ba là người có học ít khi sợ sệt. «Úy thủ, uý vĩ», sợ đầu, sợ đuôi, làm gì cũng sợ.!. Sợ sệt thường do sự thiếu hiểu biết hoàn cảnh tạo nên. Những nhà độc tài sợ không khuất phục được quần chúng nên thường áp dụng biện pháp khủng bố. Sợ vì không biết cách giải quyết vấn đề hay sợ bị chống đối vì không tiên đoán trước được phản ứng của người khác.

Muốn sự phán đoán được công minh, một số tiêu chuẩn cần được lưu ý:

1) Vô ý: Xét việc, đừng lấy ý riêng, tư dục, mà phải xét theo lẽ phải hay lẽ thường tình (common sense).

2) Vô tất: Là không nên quyết đoán là việc đó làm được hay không làm được mà phải tạo cơ hội để thực hiện mới biết dễ hay khó. Không nên chủ quan bác bỏ những ý kiến hữu ích của tha nhân theo ý nghĩ thiển cận của mình mà phải biết chấp nhận thử thách.

3) Vô cố: Vô cổ tức là không cố chấp, phải biết nhìn xa hiểu rộng theo lẽ phải mà thi hành.

4) Vô ngã: Vô ngã là quên mình, phải chí công vô tư để phục vụ nhân quần xã hội, hành sự theo lẽ phải, chứ không chỉ làm những việc có lợi cho cá nhân mình. (Luận Ngữ). «Nếu phải cân nhắc giữa công ích và tư lợi, quyền lợi cá nhân và quyền lợi của quốc gia, dân tộc thì kẻ trượng phu phải hy sinh quyền lợi cá nhân cho đại nghĩa.» (Khuất Nguyên).

Sách Luận ngữ có ghi sáu điều tai hại của sự thất học.

1) Người ham điều nhân ma không học dễ trở nên ngu muội

2) Người ham đức trí mà không chịu học thì bị cái hại là phóng đãng.

3) Người trọng chữ tín mà không chịu học thì có cái hại là dễ bị lường gạt.

4) Người thích sự ngay thẳng mà không chịu học thì hoá ra nóng nảy.

5) Người dũng cảm mà không chịu học thì dễ biến thành phản loạn.

6) Người cương quyết mà không chịu học thì hoá ra cường bạo.

Trong suốt 30 năm (1945-1975), chương trình giáo dục quốc gia chúng ta có phần lơ là vế phần giáo dục công dân liên quan đến hiểm họa Cộng sản «Người ham điếu nhân mà không học dễ trở nên ngu muội». Đó cũng là một yếu tô dẫn đến quốc nạn năm 1975. Lời khuyên «Tiên trách kỷ, hậu trách nhân» thật chi lý.

Sự học nói chung không phải chỉ là đọc sách vở mà còn học hỏi qua công việc làm, thu thập kinh nghiệm, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đời sống hằng ngày.

1) Muốn học, trước tiên phải biết phục thiện, biết làm theo điều phải, không tự ái «Bất sỉ hạ vấn». Hỏi người nhỏ tuổi hơn mình hoặc người làm việc dưới quyền mình vẫn không cảm thấy hổ thẹn.

2) Phải có thiện chí, tìm hiểu và hỏi han. Khổng Tử khuyên môn sinh «Người nào không hỏi phải làm sao thì ta cũng chẳng có cách nào chỉ bảo cho họ được. Kẻ nào không hăng hái muốn hiểu thì ta cũng không thể giúp cho hiểu được. Kẻ nào không tỏ ý muốn hiểu biết thì ta cũng không thể giúp cho họ phát triển được. Ta vén lên một góc mà chẳng tự tìm được ba góc kia thì ta không giảng thêm nữa».

3) Tạo hóa tạo nên nhân loại như những cây gỗ quý. Nếu không biết học hỏi thì gỗ quý sẽ biến thành gỗ mục. «Gỗ mục thì không chạm khắc lên được, cũng như vách bằng đất bùn thì không tô vẽ lên được». Nói khác đi trí tuệ là viên ngọc, nhưng ngọc bất trác sẽ bất thành khí.

Phương pháp học hỏi hiệu nghiệm

1) «Nên nghe cho nhiều, điều gì còn nghi ngờ thì để đó, tìm hiểu thêm, để tránh cái hại là sẽ bị thiên hạ chê cười. Điều gì biết rõ ràng chắc chắn thì nên nói, nhưng cũng nên nói một cách ôn tồn».

2) «Nên thấy cho nhiều, những gì thấy chưa được rõ thì để đó đừng làm. Còn những gì biết rõ thì cũng nên làm một cách cẩn thận, như vậy sẽ ít phải ăn năn.»

3) Học hỏi được những điều hay lẽ phải cũng cần được áp dụng vào đời sống hằng ngày hay truyền thụ cho người khác. Nếu không, kiến thức sẽ trở thành mai một. Anh ngữ cũng có câu. «The knowledge or wisdom he has in his head is of no use to anyone unless he can communicate it to others». Có kiến thức mà không áp dụng được vào đời sống hoặc không truyền thông được cho người khác thì kiến thức đó sẽ trở thành vô dụng, chẳng khác nào ăn vào mà không tiêu hoá.

Ở đời có ba hạng thức giả:

1) Không ai dạy mà biết được đạo lý. «Sinh nhi tri giả, thượng giả» là hạng siêu việt.

2) Có đi học mới biết được. «Học nhi tri chí giả, thứ giả» là hạng khoa bảng thường tình.

3) Dốt mà chịu học hỏi. «Khốn nhi học chi, hữu ký giả» là hạng có chí thì nên.

Ngoài ra những người dốt mà không chịu học là hạng «cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu». «Khốn nhi bất học, ân tư vĩ hạ hỉ».

Xã hội Tây phương cũng thường phân loại:

1) Professionals with great mind talk about ideas. Chuyên viên giỏi thường nêu lên sáng kiến.

2) Professionals with average mind talk about current events. Chuyên viên trung bình thường bàn những sự việc đang xảy ra và 

3) Professionals with small mind talk about people. Chuyên viên thường hay bàn về chuyện thế thái nhân tình.

Dù thuộc hạng nào chăng nữa, vì tự chọn hay vì hoàn cảnh cá nhân, mỗi ngày mình nên xét ba điều: «Mình giúp ai việc gì, có giúp hết lòng không; giao du với bạn bè có giữ được sự trung tín không; mình có học hỏi thêm được điều gì mới mẻ trong ngày không».

Diễn trình giáo dục là diễn trình thu nhận kiến thức, tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo qua diễn tiến 8 giai đoạn:

(1) «Thâm cứu sự vật, sự việc (cách vật); (2) để lĩnh hội được nguyên lý của sự vật (trí tri); (3) nhờ đó nhận thức mới được đúng đắn, ý nghĩ mới thành thực (chánh ý); (4) từ đó tâm tư mới ngay thẳng (thành tâm); (5) bản thân mới tu dưỡng (tu thân); (6) hấu có thể để chỉnh đốn tốt gia đình (tề gia); (7) lãnh đạo tốt quốc gia (trị quốc) và (8) giữ cho thiên hạ được thái bình (bình thiên hạ)».

Giáo dục Đông-Tây:

Cách học của người Tây phương và người Á Đông có điểm khác nhau được lưu ý là Á Đông học để lấy bằng cấp, «từ chương, trích cú» (Test- taking skill/ based education on memorization and constant testing), học thuộc lòng để thi test. Giáo dục Tây phương chú tâm giúp sĩ tử biết suy tư, thông đạt, phát minh, áp dụng kiến thức vào đời sống để giải quyết thế sự (how to get their kids to communicate, to think, to solve problems).

Các nhà giáo dục giám định phương pháp giáo dục Đông Tây (International rankings) nhận định nền giáo dục Hoa Kỳ xếp hạng cao trên thế giới nhờ phương pháp giáo dục khích lệ học sinh, sinh viên suy tư, đối thoại với nhau và với thầy, học cách giải quyết vấn đề. Hoa Kỳ đã đầu tư vào nền giáo dục khoảng # 3% GDP hằng năm vào ngân sách giáo dục quốc gia. Tổng Sản lượng (Gross Domestic Product) của Hoa Kỳ năm 2018 là 20.50 ngàn tỷ (trillion).

Môt nhà giáo dục Á Đông nhận xét: «When I went to college in the United States, I encountered a different world. While the American system is too lax on rigor and memorization, - whether in math or poetry- it is much better in developing the critical faculty of minds, which is what you need to succeed in life. Other educational systems teach you to take tests; the American system teaches you to think... That is why America produces so many entrepreneurs, inventors, and risk takers. It’s America, not Japan, not China that produces dozens of Nobel Prize Winners... America know how to use people to the fullest».

Đặc biệt nền giáo dục Hoa kỳ khuyến khích hoc sinh, sinh viên thách thức kiến thức theo tập quán hay quy ước kể cả thách thức giới hữu trách trong các ngành sinh hoạt nhân sinh. «Most of all, America has a culture of learning that challenges conventional wisdom, even if it means challenging authority». Có lẽ đó cũng là lý do trẻ em Tây phương thường không hẳn nghe lời người lớn nói. «Children have never been very good at listening to their elders.» (James Baldwin).

Học sinh, sinh viên Tây phương nghiên cứu các môn học qua sách giáo khoa được cập nhật hằng năm và đến lớp dành thì giờ nghe giảng bài, thảo luận và giải quyết vấn đề. Trong lúc đó, trong các trường học Á Đông, không có sách giáo khoa cấp phát hay bán cho học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên đến lớp dùng hết thì giờ chép bài. không có thì giờ tranh luận, học sinh sợ thầy không dám đặt câu hỏi, lớp học thiếu sinh khí... Thầy thì lấy sách giáo khoa Tây phương dịch ra vài chương đọc cho sinh viên chép lại để học. Có khi sách giáo khoa, gồm 18 chương, dày 600 trang cho mỗi môn học, thầy chỉ dịch một vài chương để đọc cho sinh viên chép. Vì thế, kiến thức của sinh viên, thiếu đầu, hụt đuôi. Khi qua các nước Tây phương, mặc dù có bằng cấp, nếu không nhật tu kiến thức hay tìm học thêm một nghề chuyên môn «cấp tốc» thì sinh kế khó được hanh thông.

Thu nhận kiến thức để lãnh nhận chứng chỉ, văn bằng, chỉ mới là giai đoạn đầu. Nếu mới đạt được giai đoạn này mà đã tự thỏa mãn thì chỉ mới đạt đến sự hiểu biết vòng ngoài, «cách vật trí tri,» nhưng chưa đạt đến trình độ thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ.

Học để hiểu biết và giỏi giang hơn về một ngành chuyên môn là điều tốt. Nhưng nếu chỉ để mong được an nhàn, sống lâu, giàu bền, còn việc ái hữu, cộng đồng, xã hội quốc gia, không thèm nghĩ đến thì chưa đạt đến trình độ tri thức.

Vì thế, triết lý giáo dục nhân bản không dừng lại ở mức độ thu nhận kiến thức để trở thành chuyên viên mà còn tiến đến chủ đích làm cho con người trở nên cao thượng hơn. «Thượng vì đức, hạ vì dân» để làm gương cho hậu thế.

 Phối hợp đạo lý làm người và kiến thức để giúp đời là dấu chỉ của kẻ sĩ, như quan niệm của Nguyễn Công Trứ

«Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ chi giai ngô phận sự.
Nam nhi đáo thử thị hào hùng.»

Phải, với tinh thần «Vũ trụ chi giai ngô phận sự» thì «Người chăn cừu xứ Tô Cách Lan và ông bộ trưởng, đều có công trạng đối với quốc gia.» Một người khoa bảng có văn bằng và một người mù chữ cũng có công trạng đối với tổ quốc, miễn là làm xong nhiệm vụ mà tổ quốc giao phó.

Năm 1843, Tướng Quân Nguyễn Công Trứ bị giáng chức làm linh thú ỡ Quảng Ngãi. Ông quan niệm «Khi làm tướng, tôi không lấy làm vinh, thì lúc làm lính có chi mà nhục». Quan niệm này đúng với cương thường, đạo nghĩa. quyết tâm phục vụ chính nghĩa quốc gia, dân tộc, thể hiện thái độ «tâm»đã định và «tính» đã an. (Tri kỳ tâm, tận kỳ tính).

«Miển hương đảng đã khen rằng hiếu nghị,
Đạo lập thân, phải giữ lấy cương thường».

Triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc, khai phóng, quan niệm «Cái học khoa cử chỉ là manh áo bên ngoài, là con đường đi vào đạo sống». Nếu không đạt được chính đạo, nghĩa là không phục vụ chân lý, chính nghĩa, quốc gia, dân tộc, thì khoa bảng chỉ có hiệu lực trang trí, chưa đạt đến trình độ trí thức. Trí thức là người có đức độ, tài cán và biết áp dụng kiến thức để xây dựng nhân quần xã hội.

Sống ở Tây phương cực lạc, chúng ta thấy, ngoài các nghề chuyên môn cần trưng bằng cấp để hành nghế, còn các các viên chức công quyến thường chỉ ký tên và không đề học vị, vì cần hoà mình với quần chúng.  Xã hi Tây phương, trong sinh hoạt xã hội hằng ngày thường không phân biệt hệ cấp giáo dục, giai cấp xã hội, theo quan niệm «Nhân cách quan trọng hơn kiến thức- Character is higher than intellect» (Ralph W. Emerson).

Có thể suy diễn thêm là người Tây phương tôn trọng kiến thức mỗi khi kiến thức đó có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày để xây dựng nhân quần xã hội hay «Tri, hành hợp nhất». Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời: Học và tập, học và áp dụng.  Học mà áp dụng được vào đời sống thì lý thú lắm thay!  «Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ» (Luận Ngữ).   Giáo dục thực tiễn có khả năng thực hành «can do» hơn là chỉ để từ chuơng trích cú (think about”) theo quan niệm: «We respect knowledge and education, but only to the extent that it helps us solve problems» bao hàm chủ trương thực dụng (Pragmatism).

«Tân Gia vừa vượt con tàu

Mới hay vũ trụ một màu bao la

Giật mình …khi ở xó nhà

Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi»

Người ta thường nói: «Tri thức tôn giáo thường do mặc khải (revelation). Tri thức triết học do lý trí quan niệm mà lãnh hội. Tri thức khoa học do thực nghiệm. Cái học khoa cử chỉ là manh áo bên ngoài, là con đường đi vào đạo sống». Nếu không đạt được chính đạo, nghĩa là không nhằm phục vụ chân lý, chính nghĩa, quốc gia, dân tộc, thì khoa bảng chỉ có hiệu lực trang trí, chưa đạt đến trình độ trí thức. Trí thức là người có đức độ, tài cán và biết áp dụng kiến thức để xây dựng nhân quần xã hội.

«Sự học tuy khó khăn, nhưng khi biết áp dụng kiến thức vào đời sống thì thành quả sẽ rất ngọt ngào, là phương cách đầu tư, thâu được nhiều lợi nhuận nhất.» «An investment in knowledge pays the best interests», qua diễn trình  «cách vật, trí tri, thành tâm, chánh ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.»

«Học vấn là hành trình suốt cuộc đời, học nhanh hay chậm không quan trọng, miễn là đừng bỏ học». Điều hay nhất của học vấn là không ai có thể tước đoạt được kiến thức của mình. «The beautiful thing about learning is that no one can take it away from you» (B.B. King).

Triết lý hành động của «trí thức quân tử» là «Nếu phải cân nhắc giữa tư lợi và công ích, kẻ trượng phu phải hy sinh tư lợi để phục vụ công ích». Cho nên học và áp dụng kiến thức để làm việc nhân nghĩa, xây dựng nhân quần xã hội, quốc gia dân tộc thật là một nguồn vui vô tận. «Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ».

Nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975 là nền giáo dục nhân bản (lấy con người làm gốc); dân tộc (tôn trọng giá trị truyền thống dân tộc); và khai phóng (mở rộng, không bảo thủ, tiếp nhận văn hoá, văn minh nhân bản thế giới đã giúp đào tạo nên bao thế hệ người Việt Nam Cao quý.

 Văn hoá là những gì còn lại sau khi đã quên hết những gì đã thu nhận ở học đường nhưng cũng như «Ăn vóc, học hay» kiến thức còn lại trong vô thức thể hiện công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy, là gia bảo văn hoá dân tộc, hồn thiêng sông nuí, khí phách của biết bao vị anh hùng dân tộc, nêu gương sáng cho hậu thế.  «Education is what remains after one has forgotten everything he learned in school» (Albert Einstein).

Nền giáo dục nhân bản của VNCH đào tạo người Việt cao quý xứng đáng với nền tảng nhân bản (humanistic) «Nhân linh ư vạn vật» chủ trương «Nhân giả vô địch».  Nền giáo dục của CSHN theo chủ nghĩa vô thần, vun trồng thú tính (aminality) chủ trương «Vô độc bất trượng phu». «Trí, phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ».

Tôn giáo, luân lý xã hội của người Việt quốc gia chủ trương «Nhân giả vô địch – trí tuệ thắng gươm giáo; tình thương thắng bạo tàn; dân chủ thắng độc tài». « Il n'y a que deux puissances au monde, le sabre et l'esprit: à la longue, le sabre est toujours vaincu par l’esprit» (There are only two powers in the world, saber and mind; at the end, saber is always defeated by mind). (Napoléon Bonaparte). Cho đến cuối thập niên 1980, Cộng Sản Quốc Tế chiếm gần 1/2 thế giới. Sau năm 1990 chỉ còn lại 4 nước theo chủ nghĩa Cộng sản: Tầu Cộng, Cuba, Việt Nam và Băc Hàn.

Nhân thế, dù có phần khác nhau về văn hoá, sắc tộc, địa phương nhưng đều là tinh hoa mà Hoá Công đã tạo dựng để quản trị vũ trụ, nên chúng ta có sứ mệnh trân trọng ơn Trên cho trọn vẹn.

Các bậc thềm giáo dục từ gia đình đến học đường và xã hội: bậc thềm nào cũng thần diệu cả.

«Tout seuil est une sacré chose».

Trần Xuân Thời

Friday, August 18, 2023

Những lý do khiến Con Cái không nghe lời Cha Mẹ

 

Những lý do khiến Con Cái không nghe lời Cha Mẹ

Trần Mỹ Duyệt

https://giadinhnazareth.org/tam-ly-giao-duc/tam-ly-giao-duc-tam-ly-giao-duc/nhung-ly-do-khien-con-cai-khong-nghe-loi-cha-me/

Và nếu điều đó xảy ra thì bạn đừng bỡ ngỡ, vì bạn không phải là người duy nhất đã hành động như vậy. Và con cái bạn cũng không phải là những đứa trẻ duy nhất không vâng lời hoặc cãi trả cha mẹ! Nhưng điều mà chúng ta cần tìm hiểu trong vai trò làm cha mẹ là: Tại sao? Đâu là những lý do khiến cho con cái không nghe lời chúng ta?

Là cha mẹ, chúng ta tất cả đều muốn rằng con cái phải nghe lời và không được chống lại ý muốn của mình. Nhưng rất nhiều lần những cái chúng ta cho là quan trọng, là cần thiết ấy lại không phải là những gì sống chết đến độ con cái phải nhắm mắt vâng lời. Trong khi nhẽ ra chúng ta chỉ cần sự cộng tác, thì chúng ta lại đòi hỏi con cái phải khuất phục. Trên thực tế, khuất phục là hành động dẫn đến sự liên đới, hợp nhất khô khan và nghèo nàn; ngoài ra, nó còn là cơ hội dẫn đến những hành động bạo hành của cha mẹ và phản kháng của con cái.    

Theo tâm lý học, người ta sẽ dễ dàng để mình bị khuất phục, hoặc vâng lời một ai đó khi tìm được sự kính trọng, và nể phục. Trong mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái cũng tương tự như vậy. Dĩ nhiên, giữa cha mẹ và con cái còn bị ràng buộc bởi mối tình thiêng liêng ruột thịt, nên việc vâng lời của con cái đôi khi vượt khỏi những lý lẽ tự nhiên, trong đó đã bao gồm lệnh truyền «thảo kính» cha mẹ của đạo làm con. Tuy vậy, cha mẹ trong vai trò là thầy, là người hướng dẫn, và nhà giáo dục cũng cần phải áp dụng những phương pháp giáo dục sao cho phù hợp với tâm lý trẻ, cũng như tâm lý giáo dục. Không phải hễ là cha mẹ thì muốn nói gì cũng được, muốn nói sao con cái cũng phải nghe. Thực tế đã cho thấy rằng càng dùng quyền, càng cưỡng bức, áp đặt con cái, con cái càng tìm cách tránh xa, hoặc luồn lách những gì cha mẹ đòi hỏi.

Sau đây là một số những lý do thông thường dẫn đến việc con cái không nghe lời cha mẹ được phân tích và tổng hợp căn cứ theo bài viết của Jen Lumanlan, M.S., M.Ed trên Psychology Today, phổ biến ngày 31 tháng 7, 2023.

1) Thiếu sự gần gũi. Mối dây liên kết mật thiết giữa cha mẹ và con cái là chìa khóa mở cánh cửa hợp nhất. Cha mẹ tối thiểu nên dành 10 phút mỗi ngày để gần gũi, lắng nghe, quan sát và chơi với con cái hầu hiểu được sự phát triển cũng như những thay đổi của chúng. Con càng nhỏ, thời gian dành cho con càng cần thiết.

2) Cấm cản con cái. Những gì mà con cái đang theo đuổi, thí dụ, các chương trình thể thao, văn nghệ, ca nhạc, kỹ thuật, hoặc các đa mê khác, đa số các em không muốn cha mẹ ngăn cản và cấm cách. Dĩ nhiên, đây là những sở thích, những đa mê lành mạnh. Trong những trường hợp ấy, hành động ngăn cản, cấm đoán của cha mẹ sẽ được hiểu như tiếng nói tiêu cực, tiếng nói phản đối mà con cái khó lòng tiếp nhận.

Đa số con cái cãi lại hoặc phản đối cha mẹ trong những trường hợp này, là vì cha mẹ tỏ ra không hiểu hoặc không muốn hiểu sở thích, sở trường hoặc đa mê của con cái. Tuổi trẻ có thể làm những gì để phát triển tài năng, và theo đuổi những đam mê của chúng. Cha mẹ nên khuyến khích, cổ võ hơn là phản đối hoặc cấm cản. 

3) Nói không đúng lúc. Thường xuyên cha mẹ nói với con cái không đúng nơi, đúng lúc. Có nghĩa là muốn nói gì, nói lúc nào, nói ở đâu thì nói. Những trường hợp như vậy, tiếng nói của cha mẹ sẽ không đem lại kết quả vì thiếu sự chú ý của con cái. Nói đúng nơi, đúng lúc mới đem lại sự chú ý của con cái. Ngoài ra, không chỉ là lời nói, cha mẹ cũng có thể dùng ánh mắt, dùng cử chỉ (ngôn ngữ cơ thể) để nói.  

Cha mẹ bận thì con cái cũng bận. Riêng về điều này, cha mẹ cần phải hiểu là tuổi trẻ không có ý niệm về thời gian. Để tránh khỏi phải la lối, khó chịu, cha mẹ có thể dùng những phương tiện như đồng hồ, thời khóa biểu để nhắc nhở con cái. Những câu nói: «Tao chỉ còn 5 phút nữa thôi. Mày mau mau lên». Đi trễ, về sớm là thói xấu mà nhiều phụ huynh phải tự ý thức khi dạy con cái về việc đúng giờ giấc.

4) Nhiều mệnh lệnh cùng một lúc. Nhiều việc dồn dập, nhiều hướng dẫn và mệnh lệnh cùng một lúc khiến trẻ em phân vân, khó hiểu và không có sự lựa chọn thích hợp. Một mệnh lệnh nếu muốn được con cái tuân theo phải rõ ràng, có thời gian thực hiện, và có những hướng dẫn cần thiết.

5) Trẻ em muốn làm theo cách chúng muốn. Khi cha mẹ bảo con cái làm một cách, ngược lại, chúng muốn làm theo cách riêng của chúng. Trường hợp ấy nếu bắt ép chúng làm theo cách của mình là không hợp với giáo dục và tâm lý.

Cách tốt nhất để chúng thử cách chúng muốn làm và khuyến khích chúng. Nếu thất bại thì đó là bài học cho chúng.    

6) Sửa phạt khi nóng giận. Nói không được thì la hét, mắng chửi. Đây là cách dạy dỗ phản giáo dục. Khi nóng nảy, cha mẹ rất khó lòng bình tĩnh để nói năng nhẹ nhàng, lý lẽ phải trái với con. «Nói ngọt lọt đến xương». Con cái không «tâm phục, khẩu phục», vì lời nói và thái độ nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, và thiếu bình tĩnh của cha mẹ.

7) Quyết đoán và kết án. Khi cha mẹ nói với con cái, tránh dùng những lời lẽ quyết đoán và kết án: «Tao biết mày quá mà!» Hay: «Tao đẻ mày ra tao không biết mày sao?» Trẻ em rất tinh ý và hiểu rằng những lời lẽ và cách nói ấy là nhằm phỏng đoán, hoặc đoán mò. Đương nhiên là các em khó chấp nhận, sẽ cãi lại, và sẽ phản đối. Muốn con cái nghe mình, thì «có nói có, không nói không». Không phỏng đoán, quyết đoán, hoặc kết án bằng cách: «Suy bụng ta ra bụng người.»

8) Không hiểu nhu cầu con cái. Cha mẹ không hiểu nhu cầu con cái, ngược lại, con cái cũng không hiểu những mong muốn của cha mẹ. Sự hiểu lầm và thiếu thông cảm sẽ dẫn đến những lời nói gay gắt, bất đồng, hoặc bất hòa. Nhiều lần dẫn đến bạo hành trong gia đình. 

Trẻ con thường thích những nhu cầu bình thường mà không đòi hỏi phải nghe nói nhiều. Chúng muốn được đề cập đến những gì chúng cảm thấy quan trọng trong đời sống mà không phải nói ra.  Điều này khiến chúng cảm thấy dễ dàng cộng tác với cha mẹ trong những gì mà cha mẹ muốn chúng làm.

Giáo dục không chỉ là một hành động thông thường, một việc làm theo tập tục, hoặc văn hóa, nhưng nó còn là một nghệ thuật: Nghệ thuật chinh phục lòng người. Để thấu triệt và hiểu biết con đường nghệ thuật này, cha mẹ phải thường xuyên học hỏi, trau dồi và dĩ nhiên chính mình phải thực hành. Sách Huấn Ca nói: «Khi người cha nhắm mắt, ông vẫn không chết. Vì ông còn để lại những đứa con giống ông» (30:4). Lời Sách Thánh mở ra một vinh dự cao cả, nhưng cũng hàm chứa một trách nhiệm lớn lao đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều đức tính của bậc cha mẹ.

Trần Mỹ Duyệt