Sunday, July 19, 2020

Những video về vấn đề giáo dục


Những video về vấn đề giáo dục

 
Những thiên tài «bị đuổi học»
.. .. .. ..

Saturday, July 18, 2020

Luận về lý tưởng


Luận về lý tưởng
Trần Xuân Thời

Lý tưởng (Ideal) là những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta muốn đạt đến. Nào là ngôi nhà lý tưởng, hai trái tim vàng trong túp lều tranh. Người yêu lý tưởng, công việc lý tưởng, đời sống lý tưởng, cộng đồng lý tưởng, quốc gia lý tưởng.


Phải chăng chỉ có con người mới có lý tưởng. Đúng, chỉ có con người mới có những ước mơ làm đẹp cuộc đời, cho nên con người không ngừng làm việc, phát minh để tiến bộ, cải tiến sinh hoạt hàng ngày từ sinh hoạt cuả cá nhân, tổ chức, đoàn thể đến sinh hoạt của cộng đồng, xã hội từ thời thượng cổ đến thời đại văn minh như hiện nay.


Con người khác các sinh vật khác nhờ có lý trí, biết suy xét, biết phát minh những điều mới lạ, biết suy xa, hiểu rộng để theo đuổi lý tưởng của mình. Lý tưởng có thể xếp loại vào đối tượng (subject) như những lý tưởng nhằm vào phúc lợi cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, nhân loại. Hoặc xếp loại theo mục đích (goal) như làm giàu, phát triển kiến thức, kiến tạo hòa bình, thiết lập tự do, công lý, nhân quyền, kiến tạo hạnh phúc cho đồng bào, phát triển nghệ thuật, phát triển thể thao, phát triển các phương tiện giải trí.....


Trí tuệ là cơ năng đặc biệt của con người. Từ thuở sơ sinh, trí tuệ như một tờ giấy trắng. Trí tuệ thu nhận các dữ kiện từ thế giới bên ngoài nhờ các giác quan, tinh luyện các dữ kiện thu nhận được qua quá trình học hỏi, tiếp xúc, chia sẻ, đối thoại, làm việc và lưu trữ kinh nghiệm vào vô thức. Tiến trình nấy đóng góp vào sự phát triển của trí tuệ. Tai càng nghe nhiều, mắt càng thấy nhiều, trí tuệ càng thu nhận được nhiều dữ kiện, gặp được nhiều hoàn cảnh, biết được nhiều sự việc thì con người càng trở thành lão luyện. Người khôn thường là người trường trải, học hỏi nhiều, và biết ứng dụng kiến thức vào nhiều hoàn cảnh trong môi trường sống.

Muốn thực hiện được lý tưởng, cần phải hội đủ bốn yếu tố chính, ba yếu tố đầu có tính cách bẩm sinh (innate) và yếu tố thứ tư do sự tu luyện của bản thân.

- Trí tuệ (intellect): Mọi người bình thường đều có trí tuệ do Thượng Đế ban cho con người. Trí tuệ là cơ năng đặc biệt của con người, biết tự thu nhận kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, tinh luyện suy luận, phát triển sáng tạo, và ứng dụng kiến thức vào công tác xây dựng cuộc sống cá nhân và xã hội.

- Lý trí (reason): là cơ năng giúp con người biết phân biệt, tốt xấu, phải trái

- Tự do (freedom): Tự do tâm lý là yếu tố bẩm sinh, mọi người đều có tự do quyết định về phương diện tâm lý như chọn lành lánh dữ, tự do suy tư, mơ ước, yêu thương, mặc dù tự do tâm lý có thể bị hạn chế bởi tự do chính trị, luân lý xã hội, tôn giáo, tạo thành cái gọi là siêu bản ngã (superego) đè nặng lên tự do tâm lý.


- Ý chí (will): Ý chí là yếu tố do con người tự rèn luyện. Có chí thì nên. Có trí tuệ để suy tư, tìm ra việc phải làm, kiến tạo lý tưởng, có tự do chọn lựa lý tưởng, nhưng nếu không có ý chí cương quyết thúc đẩy hành động thì dù có chương trình, kế hoạch mà thiếu quyết tâm thực hiện cũng như không.

Nếu chúng ta có trí tuệ mà không biết học hỏi, thu nhận kiến thức, tinh luyện suy luận, phát triển sáng tạo và ứng nghiệm vào đời sống, thì trí tuệ sẽ trở nên vô dụng. Ngọc bất trác bất thành khí, uổng công của Thượng Đế. Con người có tự do để hành động, nhưng phải biết hành sử quyền tự do qúy báu này đề làm việc hữu ích cho nhân quần xã hội. «Tự do chân chính, nhân bản là tự do làm viêc thiện và ngược lại là thứ tự do giả tạo». Tự do mà Thượng-Đế ban cho loài người không phải tự do biếng nhác, phí phạm cuộc đời. Sự biếng nhác sẽ làm hạ nhân phẩm con người (dehumanization) qua những hành vi tiêu cực, khiến cho thân thể không phải là phương tiện cho trí tuệ phát triển. Nếu trí tuệ bị giam giữ trong một cơ thể biếng nhác, có mắt mà không có tròng, có tai mà không chịu nghe..., thì trí tuệ sẽ bị lụn bại, thân xác nẩy nở theo tuổi tác mà trí tuệ vẫn ở trạng thái thiếu truởng thành.

Trạng thái ấu trĩ này khiến cho con người gặp nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu nhân cách, sống không tưởng: Hoặc tự xem mình là tuyệt hảo, tài ba hơn người, cái gì cũng hay cũng giỏi, nên không cần học hỏi, vì nghĩ mình là thiên thần giáng thế (angelism). Cũng có thể ngược lại thải độ thái độ tự thần thánh hoá, con người rơi vào hố sâu vật chất, không phân biệt được sự khác biệt giữa đời sống của con người và đời sống của thú vật, nghĩa là không có linh hồn, tôn thờ vô thần và duy vật (materialism).

Thế thì với trí tuệ mà Thượng Đế ban cho chúng ta, với quyền tự do quyết định và với ý chí cương quyết để thực hiện những gì chúng ta mong ước, con người đã có đủ phương tiện sống ở đời để thừa hưởng sản nghiệp thiên phú gồm đất đai, sông núi, tài nguyên thiên nhiên, muông thú, hoa lá cỏ cây....Thượng Đế như vậy đã yêu thương con người không bút nào tả xiết.

Mặc dù con người hưởng được cuộc sống thần tiên ở trần gian, nhưng con người vẫn tự tạo cho chính mình những ngăn trở khiến cho đời sống bớt phần thi vị hạnh phúc. Dù có sự thành công và cố gắng, con người vẫn gặp cảnh bất công, xấu xa, và cảm nhận sự bất hạnh, do ma vương, quỷ dữ tạo nên như làn sóng vô thần, bạo loạn, chiến tranh làm cho chúng ta mất tự do, xa lìa quê hương, sống viễn xứ. Mỗi khi gặp sự bất hạnh, con người lại cố gắng vượt thoát sự bất hạnh nhờ tiềm năng bẩm sinh. Đặc điểm của tiềm năng này là tái tạo tưởng cho cuộc sống. Một khi đã có lý tưởng thì con người biết việc gì phải làm, con đường nào phải đi và biết ứng dụng khả năng mình để thực hiện lý tưởng mình mong ước.


Người ta thường nói đời sống mà không có lý tưởng như bầu trời không tinh tú, hoặc «Người mà không có lý tưởng như thuyền không lái, như ngựa không cương trôi dạt long bong không ra thế nào cả». Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng nhận thấy nhiều người làm việc không có chương trình, kế hoạch, làm thật nhiều mà kết quả chẳng bao nhiêu, vì bị người ta phụ hay vì mình kém khả năng cũng không biết!  Khi gặp thất bại triền miên vì thiếu lý tưởng, con người có thể rơi vào một trong ba thái độ:

- Thái độ thứ nhất là dù thất bại nhưng vẫn cố gắng làm việc. Thua keo này bày keo khác. Học hỏi kinh nghiệm, thất bại là mẹ thành công, là những người có thái độ tích cực đáng khích lệ. Thi hỏng không bỏ cuộc mà chuẩn bị thi lại. Có chí thì nên.

- Thái độ thứ hai là thoái thác, quy ẩn. Thất bại vài lần sinh ra chán nản, bi quan, trở về quy ẩn. «Quan bất sai, lại bất vấn». Mời gọi tham gia việc này, thực hiện việc nọ đều bị khước từ bằng cái lắc đầu từ nan. «Thôi thôi ta đã biết rồi, lồng vàng âu cũng là nơi ngục tù».

- Thái độ thứ ba là đả phá tiêu cực, bất mãn, sinh ra phá hoại để trả thù thực tại, không lấy cũng quấy cho hôi. Một số người thất bại sinh ra oán hận đời, chống đối, nói hành nói xấu cho bỏ ghét, chê bai mọi người. Do đó, trong đời sống hàng ngày, chúng ta thấy những người hay chống đối thường là những người tâm hồn bị giao động vì thiếu lý tưởng, như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi dạt long bong không ra thế nào cả.


Trong một đoàn thể, một cộng đồng mà nhiều người có lý tưởng là dấu hiệu tốt đẹp, xã hội có tiềm năng tiến bộ. Ngược lại, trong một đoàn thể, cộng đồng mà nhiều người không được hướng dẫn để tìm ra một lý tưởng để sống thì hội đoàn, cộng đồng sẽ tiến triển một cách chậm chạp, làm trì trệ mọi chương trình và kế hoạch hữu ích cho sự phát triển của đoàn thể, cộng đồng và xã hội.

Thế thì điều quan trọng là mọi người trong đoàn thể, cộng đồng, thử xét lại chính mình, quay lại cuốn phim của đời mình, xem thử xưa nay mình đã làm những gì, thành công như thế nào, và tại sao lại thất bại. Thượng đế đã cho chúng ta lý trí để suy xét thì hãy bỏ chút thì giờ dùng lý trí để tìm về dĩ vãng, phân tách xem những việc đã làm, xét lại hiện tại đang làm những gì, và dự phóng những công tác sẽ thực hiện trong tương lai.


Những người chỉ trông cậy vào quá khứ, xưa bày nay làm, là những người thiếu khả năng suy luận và thiếu sáng kiến. Những điều người trước đặt để ra, phát họa ra chỉ nên xem là những suy luận căn bản để chúng ta dựa vào hầu bổ túc và phát triển cho hợp với sự tiến bộ của con người, với tinh thần trung thành một cách sáng tạo (creative loyalty) theo dấu chỉ của thời đại (Signs of the times). «Đọc sách mà tin hoàn toàn vào sách, nhược bằng đừng đọc sách thì hơn» là vậy. Thật ra, trên đời này chẳng có gì mà không làm được, hay không cải tiến được. Cái khó là ở chỗ biếng nhác, thiếu kiên nhẫn mà thôi. «Thế thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên.»

Muốn thành người hữu dụng và sống đúng với ý nghĩa làm người (to be fully human), chúng ta phải kiến tạo cho mình một lý tưởng. Người không có lý tưởng là người chưa trưởng thành (immature). Người trưởng thành thật sự, là những người sống một cách hữu dụng cho cá nhân, gia đình và nhân quần xã hội.

Diễn trình (process) kiến tạo lý tưởng là diễn trình suy luận, tự kiểm thảo, thu nhận dữ kiện, ứng dụng khả năng hầu tìm ra một hướng tiến thích hợp cho mình trong bối cảnh phục vụ phúc lợi chung.


Hầu hết mọi người đều có lý tưởng, dù có khi mơ hồ chưa nhận chân được lý tưởng một cách rõ rệt. Có khi lẫn lộn giữa lý tưởng chính đáng (authentic ideal) và lý tưởng sai lạc (false ideal), giữa lý tưởng và các mục tiêu (objectives) phải thực thi để đạt tới lý tưởng. Đặt phụ thành chính và biến chính thành phụ làm cho tâm hồn mình cứ phân vân không biết nên làm gì trước, làm gì sau. Sự lưỡng lự làm mình mất thì giờ, có khi nửa đường mà bỏ cuộc: «Bán đồ nhi phế.»

Nói một cách tổng quát, muốn biết lý tưởng, nên xét lại mình đã dùng tiền bạc, thì giờ, công sức, suy tư đến vấn đề gì nhiều nhất trong cuộc sống của mình thì có thể vấn đề đó là lý tưởng của đời mình. Có người hy sinh thì giờ để viết lách nhằm «Phù thế giáo một vài câu thanh nghị». Có người hy sinh cả cuộc đời vì lý tưởng cách mạng, giải thoát dân tộc ra khỏi nơi đắm đuối. Có người bỏ cuộc đổi trần thế để tu trì, cứu nhân độ thế. Có người hy sinh thì giờ để phục vụ nhân quần xã hội....

Chúng ta khoan lượng giá lý tưởng «đúng hay sai, tốt hay xấu», mà chỉ kiểm điểm lại sự việc (identify the issues). Một khi đã kiểm điểm sự việc chúng ta mô tả rõ sự việc đó, so sánh với luật lệ, với luân lý cổ truyền, với các tiêu chuẩn xử thế của một người bình thường (reasonable person standard) xem thử những gì chúng ta theo đuổi có tính cách chính đáng hay không, để gạt bỏ những lý tưởng giả hình (false ideal), không thực tế (unrealistic), phi nhân thất đức ( immoral). Từ đó, chúng ta có thể điều chỉnh tư duy và hành động nhằm thực hiện lý tưởng đích thực hữu ích cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, và nhân loại.


Vai trò của lý tưởng rất quan trọng trong đời sống của con người. Lý tưởng là nguồn sống của con người. Nguồn sống bao gồm cả sự thích thú khi thực hiện lý tưởng. Bao gồm cả ước vọng, sở thích, khiến cho con người dồn toàn năng lực vào sự thực hiện để đạt đến lý tưởng mong muốn (self actualization).

Chọn lý tưởng là suy luận việc phải làm và dồn hết sở thích của mình vào lý tưởng đó. Thực hiện lý tưởng còn phải được thôi thúc bởi ý chí (will) tức là nguyên động lực thúc đẩy mình thực thi lý tưởng. Nếu thiếu ý chí, đôi khi có lý tưởng nhưng không thực hiện được vì thiếu quyết tâm, sa ngã, yếu lòng, bị lôi kéo, chia trí bởi những lý tưởng lệch lạc.

Lý tưởng chính đáng (authentic ideal) là lý tưởng có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của mình. Nhu cầu về đời sống thiêng liêng cũng như đời sống thế trần. Một công trình có ý nghĩa nhất mà mình có thể hiến trọn cuộc đời để thực hiện, khi thực hiện như vậy, chúng ta đạt được giai đoạn trưởng thành.

Làm thế nào để kiến tạo cho mình một lý tưởng:

1.   Trước hết, phải ấn định chủ đích (goal), việc dự định làm, việc cần thực hiện để có thể thỏa mãn nhu cầu hiện tại và tương lai của mình. Chủ đích này phải có sức hấp dẫn lôi cuốn sức cố gắng của mình. Nghĩa là không tạo sự chán nản trong lúc thực hiện, vì sự chán nản có thể làm cho chứng ta bỏ cuộc.

Chủ đích phải có tính cách thử thách tài năng của chúng ta, khiến cho chúng ta quyết chí đạt đến việc đã định. Chủ đích phải có tính thực tế, nghĩa là có thể thực hiện được, có thể đạt được, phù hợp với khả năng của mình. Chọn chủ đích quá khả năng của mình tức là chọn chủ đích không tưởng.

2.   Sau khi định được chủ đích phải thực hiện, phải tạo cho mình lòng tin sắt đá sẽ đạt được chủ đích đó. Sự xác tín (conviction) chở được núi. Lòng tin thúc đẩy mình thực hiện chủ đích một cách dễ dàng.

3.   Đang khi thực hiện chủ đích, chúng ta sẽ cảm thấy thích thú trong công việc làm, không cảm thấy mệt mỏi, nhờ đó công tác được thực hiện nhanh chóng.

4.   Khi thực hiện các mục tiêu đề đạt đến chủ đích, phải đặt ra những tiêu chuẩn (criteria) để lương định công tác, xem thử công tác đã thực hiện đúng mức, quá nhanh, quá chậm, đúng đường hướng, hay sai lệch để tiện việc điều chỉnh.

5.   Một khi đã có lý tưởng, thì tâm hồn bình thản vì biết mình có hướng đi rõ rệt, không lo lắng vẩn vơ, không bị lôi kéo bởi mãnh lực này, ý kiến nọ, mà nhất quyết thi hành cho trọn vẹn lý tưởng của mình. Những người làm việc có lý tưởng không tranh chấp, không bình phẩm vu vơ, không tiên đoán lệch lạc, không ganh tỵ, không lộng ngôn. Những người có lý tưởng thường bận rộn nhằm chu toàn lý tưởng đang theo đuổi.

Theo đuổi một lý tưởng tức là yên tâm thực hiện những gì mình mong ước, an tâm sống với lý tưởng của mình, sự thực hiện lý tưởng dần dần trở thành lối sống của mình (way of life), một lối sống đầy đủ về mọi phương diện, trong ấm, ngoài êm. Những người có lý tưởng khác hẳn người thường là sự bình tâm, an lạc, say mê lý tưởng và dồn nỗ lực phục vụ lý tưởng của mình.

6.   Một khi sự thực hiện lý tưởng đã trở thành thói quen của cuộc sống, có nghĩa là nếu không thực hiện được những gì mình mong ước thì mình cảm thấy không được bình an trong tâm hồn. Khi đó, chính lý tưởng đã thôi thúc chúng ta làm việc một cách hăng hái, khiến cho công lực chúng ta gia tăng, nhờ đó vượt mọi trở ngại, thử thách đề đạt đến những gì mình đã quyết định.

7.   Lý tưởng đến giai đoạn này là trụ buồm vững chắc cho cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta trải qua cơn sóng gió của cuộc đời, giữ vững đức tính làm người xứng đáng, làm người có lý tưởng, làm người toàn diện (fully human).


«Đời người không có lý tưởng như bầu trời không tinh tú». Người có lý tưởng là người tự tin. Thận trọng trong lời nói và chín chắn trong hành động vì ngôn và hành đều có chủ đích nhắm đến một mục tiêu đã định.

 Bá nhân bá tánh, mỗi người thiên về một loại lý tưởng. Những người có lý tưởng tương đồng thường kết hợp để thực thi lý tưởng như lập chính phủ, chính đảng để thực thi lý tưởng cách mạng dân tộc... Lập hội để phục vụ cộng đồng, lập nơi thờ tự để chiêm bái....

Điều quan trọng là phải tôn trọng lý tưởng chính đáng của tha nhân. Ai không đồng lý tưởng với mình không phải là kẻ chống đối mình. Lý tưởng chính đáng là lý tưởng tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm, hữu ích cho nhân quần xã hội.

Sỡ dĩ xã hội tiến bộ là nhờ những công dân hữu dụng, hoàn thành những chương trình kế hoạch trong lúc thực thi lý tưởng của mình. Xã hội tiến bộ có hằng trăm ngành hoạt động. Thời gian sống hữu hạn, không ai có thể làm hết mọi việc, học hết mọi ngành. Đời sống hữu hạn, kiến thức chúng ta thu nhận được cũng rất hữu hạn và tương đối. Thầy ngành nầy lại là học trò của ngành khác. Không ai toàn thiện, toàn mỹ và cũng không ai không biết gì.         

Luận về lý tưởng là luận bàn về chiều sâu của cuộc sống liên quan đến phạm trù triết học nhân sinh, nhằm góp phần suy diễn về đời người và người ở đời, là một vấn đề muôn thuở. Nhà Tâm lý học Maslow đã nhắc đến 5 loại nhu cầu của nhân thế: (1) Nhu cầu sinh vật lý (physiological need) như đói ăn khát uống; (2) nhu cầu sống an toàn (safety need); (3) nhu cầu hội nhập, sinh hoạt hội đoàn,(social need); (4) nhu cầu được tôn trọng (esteem need) và (5) nhu cầu thực hiện lý tưởng của đời mình (self actualization need).

Lý tưởng đóng vai trò điều hướng hành vi của con người. Thiếu lý tưởng tức là chưa trưởng thành về tư tưởng; nói khác đi, chưa trở thành con người toàn diện vậy.

Trần Xuân Thời

Sunday, May 24, 2020

Cái tôi cái ta…!

Cái tôi cái ta…!

Đông Triều
Một thiểu nghĩ, một cách nhìn, về một góc độ nào đó của riêng tôi. Người Việt chúng ta rất sùng bái đạo, đó là vấn đề rất tốt cho tôn giáo. 
Những hành động trọng Cha, kính Thầy một cách quá đáng, có thể nói rằng; đi đến lố bịch của một số con Chiên, Phật tử đã làm hư các Thầy, các Cha, đồng thời biến các vị tu hành trở thành Phật, thành Chúa, là Thần thánh oai nghiêm và quyền uy vô lượng, chứ không còn là những kẻ tu hành hèn mọn, mà những vị nầy đã tâm nguyện dâng hiến trọn đời phục vụ Phật tử, tín đồ cũng như con Chiên! Những hình ảnh chấp tay cúi đầu «Con lạy Thầy, con kính Cha» làm cho các nhà tu hành quên hẳn vai trò một người tu hành, để rồi những vị nầy tự ban cho mình cái quyền linh thiêng, đại diện cõi bề trên ban phát ân huệ cho chúng sanh và bắt người phàm tục phục dịch cho mình. Đem tiền bạc đến dâng và bái lạy, kính cẩn như một vị thánh sống. 
Hình ảnh và thái độ của Thầy, Cha ngày nay thường bị hư hỏng và đôi lúc trịch thượng bởi hai lý do. Trước hết là số người sùng bái đạo có thái độ tôn trọng Cha Thầy một cách quá đáng, việc gì của Thầy của Cha làm đều tốt đều đẹp, lời Thầy lời Cha nói gì nghe cũng hay cũng phải. Thứ đến là một số tín đồ, giáo hữu cò mồi dựa vào tôn giáo để làm chính trị cũng như kinh doanh, họ bám vào Thầy Cha, Thầy chùa, nhà thờ, theo sát Thầy Cha đánh trống thổi kèn, chấp tay lạy sống và khúm núm trình thưa như đang đứng trước mặt quan quyền vua chúa ngày xưa.
Hành động nầy chẳng những đưa «Cái tôi, cái ta» của Thầy, Cha lên đến tận mây xanh, do đó, những cái tầm thường xấu xa, tham sân si, trong lòng của các vị tu hành không diệt được, mà còn được thường xuyên bơm lên, thì tham sân si, ái dục trong lòng các vị tu hành nầy càng ngày càng lớn hơn những người phàm tục nữa! Như vậy, tu hành đã không đạt được kết quả… 
Cái tham sân si, ái dục trong các vị tu hành thường xuyên bị dồn nén thì sẽ bộc phát lên dữ dội. Nên nhớ rằng, các nhà tu hành một khi đã đi lạc đường, thì cái tham sân si, ái dục sẽ quậy phá tới bến còn hơn những người phàm tục!!! Cái tôi và cái ta, là do họ tự coi mình quá lớn, cho nên trở nên khinh thường những người khác. Nó chỉ là một biểu hiện tính ích kỷ, theo một lối sống cho bản thân.
Theo triết lý Phật giáo cái tôi là bản ngã hay còn gọi là ngã mạn. Ngã tướng, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, là vô thường, thì mang bản tánh, hoại diệt khổ, cái gì là khổ. Con người sinh ra là tùy nhân duyên, không có cái tôi, cái ta không bền vững. Không vững chắc tồn tại, như vậy theo đạo Phật, cái ngã, cái tôi là không có thực, mà nó chỉ là một tập hợp ở nơi Ngũ uẩn, luôn thay đổi sinh diệt, đều là vô ngã. Cái nầy không phải của tôi, cái nầy không phải tự ngã của tôi, cũng có thể hiểu nó là chủ thể của sự hoạt động tâm lý cũng như thân thế. Có nhiều cái tôi với tính cách hổn tạp cá nhân, nhưng cũng có cái tôi cái ta trổi dậy mạnh mẽ trong câu thơ «Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn». Cái tôi là một khởi điểm sau chiến tranh, mở đầu bằng trí nhớ hay hoài niệm. Cái tôi cái ta chỉ có ý nghĩa cho một sự việc riêng biệt cá nhân, chứ không thể, thể hiện cái tôi cái ta với mọi người. Có một số người thường hay nói; «Có biết tôi là ai không?». Cái tôi cái ta, Vua quan, tôi tới, nó chỉ nhất thời mà thôi «Lấy quan thì quan cách, lấy khách, khách về Tàu».

Đông Triều 

Monday, May 18, 2020

Người lương thiện là người thông minh nhất

Người lương thiện là người thông minh nhất
Lý Minh

Thông minh chưa hẳn đã lương thiện nhưng người lương thiện chắc chắn là người thông minh nhất

Thông minh và khôn khéo được cho là những lợi thế giúp con người sống dễ dàng hơn trong một xã hội ngày càng cạnh tranh. Tuy nhiên, câu chuyện của nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos khiến không ít người giật mình tự hỏi: «Thông minh liệu có quan trọng hơn tất cả»?

Ông Jeff Bezos, sáng lập viên và CEO của Amazon, là một trong những gương mặt quyền lực nhất trong làng công nghệ thế giới. Tuy nhiên, không chỉ là một người giàu có bậc nhất, ông còn là một người có ý chí, nghị lực và nhân cách khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Trong một lần tham gia buổi lễ tốt nghiệp năm 2010 tại trường Princeton, nơi ông theo học thời đại học, Jeff đã chia sẻ lại câu chuyện từ thuở ấu thơ của ông. Câu chuyện sau đó đã đánh thức trong tâm hồn hàng triệu người câu hỏi: «Thông minh liệu có quan trọng hơn tất cả?»

«Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường dành thời gian nghỉ hè của mình ở trang trại của ông bà tại Texas. Tôi giúp ông bà sửa chữa máy quạt thóc, tiêm vacxin cho bò và làm các công việc nhà khác. Vào mỗi buổi chiều, chúng tôi cùng nhau xem những vở kịch opera, đặc biệt là vở “Năm tháng của đời người”.»

«Suốt quãng đời tuổi thơ, tôi luôn mong đợi những ngày như thế. Tôi vô cùng yêu quý và kính trọng ông bà của mình. Tôi thầm cảm ơn số phận đã mang họ đến bên tôi, trở thành những người thân yêu nhất trong cuộc đời của tôi.»

«Những buổi sáng với tiếng gõ leng keng của ông và tiếng thái gọt đồ ăn của bà luôn là miền ký ức trong trẻo đầy sức mê hoặc đối với tâm hồn tôi.»

«Nhưng có một điều tôi không thích nhất chính là mùi thuốc lá, đặc biệt trong những lần du lịch. Tôi sẽ ngồi ở chiếc ghế băng dài phía sau xe và người lái xe đương nhiên là ông nội. Còn bà nội tôi sẽ ngồi cạnh ông, bà thường không nói gì nhiều và chỉ hút thuốc.

«Ngay từ nhỏ tôi đã yêu thích những con số và thường tính toán tất cả mọi thứ trong cuộc sống, từ lượng dầu tiêu hao cho đến những chi tiêu buôn bán tạp hóa, từ tiền mua gà cho tới tiền mua những thứ nhỏ nhặt như tỏi, tiêu.»

«Một lần, tôi tình cờ nghe được một bài quảng cáo về thuốc lá trên truyền hình. Chẳng giống như những đứa trẻ cùng tuổi bị hấp dẫn bởi những hình ảnh động thú vị, tôi quan tâm tới nội dung chính.»

«Người ta nói rằng mỗi điếu thuốc lá sẽ làm giảm vài phút tuổi thọ, chính xác là khoảng hai phút. Vì thế tôi quyết định vì bà mà làm một phép tính toán.»

«Tôi đã dành một ngày để quan sát bà, tôi tính xem mỗi ngày bà tôi hút mấy điếu thuốc, mỗi điếu thuốc hút mấy hơi, cuối cùng cũng tính được một con số hợp lý.»

«Hôm đó, sau khi hoàn thành sự tính toán của mình, tôi ngả người về phía trước vỗ bờ vai của bà và kiêu ngạo tuyên bố: “Nếu như hai phút hút một hơi thuốc thì bà sẽ giảm 9 năm tuổi thọ”.»

«Tôi nhớ rất rõ ràng chuyện gì đã xảy ra sau đó và điều ấy nằm ngoài dự liệu của tôi. Tôi kỳ vọng sự thông minh và khả năng tính toán của mình sẽ nhận được lời khen ngợi nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.»

«Bà nội tôi đã bật khóc, còn ông tôi trước đó luôn chăm chú lái xe bỗng dừng lại một bên đường. Ông xuống xe, mở cửa và tỏ ý đợi tôi xuống.»

«Tôi bàng hoàng tự hỏi liệu tôi đã gây ra phiền phức hay sao? Ông nội tôi là một người trí tuệ và điềm tĩnh. Ông chưa bao giờ nói lời nghiêm khắc với tôi hay bực mình với tôi chuyện gì. Hay là ông muốn tôi quay trở lại xe và xin lỗi bà nội?»

«Trong đầu tôi quay cuồng với các loại suy nghĩ và không ngừng lo lắng về điều sắp xảy ra với tôi. Chúng tôi đứng ở bên đường cách chiếc xe một đoạn.»

«Ông nội nhìn sâu vào mắt tôi, trầm ngâm một lát sau đó nhẹ nhàng nói: “Jeff à, có một ngày cháu sẽ hiểu, lương thiện so với thông minh càng khó hơn”.»

«Đó là câu nói khiến tôi, một người luôn tràn đầy tự tin vào sự thông minh của bản thân thực sự ngỡ ngàng và chấn động. Mỗi ngày lớn lên tôi lại hiểu thêm về câu nói của ông. Điều tôi nói có thể chẳng sai chút nào, nó là khoa học. Điều tôi hiểu là trong mỗi điếu thuốc ấy có hàng tá chất độc gây tác hại đối với sức khỏe như thế nào.»

«Nhưng điều quan trọng nhất tôi không thể hiểu cho tới ngày hôm đó chính là đằng sau mỗi điếu thuốc bà hút có thể là biết bao tâm sự, biết bao suy tư về những thăng trầm đã qua, về một nỗi buồn niềm đau nào đó mãi hằn in trong lòng bà chẳng thể nguôi ngoai».

***

Quả thực trong đời sống này, điều chúng ta có thể tiếp nhận là tri thức, nhưng điều không thể tiếp nhận mà phải dung dưỡng là một tấm lòng lương thiện.

Bởi lương thiện ấy không phải là một loại lý thuyết, mà là sự hòa hợp giữa ý niệm và hành vi, là bản chất nguyên sơ của sinh mệnh nguyên thủy của con người.

Người ta cho rằng càng hiểu biết nhiều thì càng thông minh, càng thông mình thì càng biết thu vén cái lợi cho mình, như thế cuộc sống sẽ ngày càng sung sướng, hạnh phúc.

Nhưng càng thông minh, càng khôn khéo, càng tư lợi, con người lại càng đánh mất sự thuần khiết, thuần tịnh vốn có của mình.

Vì lương thiện nên biết đủ, vì lương thiện mà biết tha thứ, không so đo tranh giành, không ganh đua ân oán từ đó mà nội tâm thanh tịnh, an hòa. Người có nội tâm thiện lương, tĩnh lặng sẽ sáng suốt, có thể thực thi bất kể sự việc gì bằng cả tấm lòng mình mà không bị được mất hay danh tiếng ràng buộc, ức chế.

Người ta nói lương thiện là một loại trí huệ. Người thông minh chưa hẳn đã lương thiện, nhưng người lương thiện chắc chắn là người thông minh nhất.


Thursday, April 23, 2020

Nửa đời về sau...

Nửa đời về sau...
1. Nửa đời về sau, hãy học được cách trầm tĩnh.
Có đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận. Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai.
2.Nửa đời về sau, hãy trở nên bình thản.
Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ. Mặc kệ là đời sống vật chất dư dã hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.
3.Nửa đời về sau, hãy học cách cúi mình.
Bạn bất đồng ý kiến với với con cái, nói chuyện mâu thuẫn với bạn bè, những điều này cũng không sao cả.
Lúc này bạn cũng có thể về lau nhà... Trong lúc lao động, bạn sẽ nhận ra tâm trạng và suy nghĩ của mình dần lắng xuống.
4. Nửa đời về sau, hãy đừng cảm thấy hối hận.
Cuộc đời là một con đường dài với vô số ngã rẽ, và ta luôn phải lựa chọn không ngừng.. Không có cơ hội nào lặp lại, lựa chọn rồi thì đừng hối hận, cũng đừng nói câu muốn làm lại từ đầu.
5.Nửa đời về sau, hãy tiếp tục học tập.
Đọc sách xem báo, hội họa, ca hát, nghe nhạc...đều có thể đem đến cho cuộc sống niềm vui, khiến cho tâm tình khoan khoái dễ chịu.
6. Nửa đời về sau, hãy giữ gìn sự đơn thuần.
Suy nghĩ quá nhiều, ngược lại càng làm cuộc sống thêm phức tạp, «đơn thuần» thật ra chính là một ân huệ mà trời cao ban cho chúng ta. Cảm nhận mùi thơm của đồ ăn, nhận ra niềm vui của vận động, cùng bạn bè nói chuyện không đâu...
7. Nửa đời về sau, hãy thỉnh thoảng buông thả bản thân.
Mỗi ngày ăn trái cây rau quả, thực phẩm lành mạnh, có phải là có lúc cũng thèm thịt cá? Vậy thì cứ ăn đi!
Cuộc đời không nên gò ép bản thân mình quá, ngẫu nhiên phóng túng thì càng bình dị, gần gũi.
8. Nửa đời về sau, hãy luôn ăn mặc đẹp.
Yêu cái đẹp nên là điều mà chúng ta theo đuổi cả đời, tuyệt đối đừng vì suy nghĩ mình lớn tuổi mà không muốn trưng diện nữa..
Hãy nhân lúc lưng còn thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc thật xinh đẹp...
9. Nửa đời về sau, đôi lúc hãy ngờ nghệch một chút.
Có những chuyện, cần hờ hững thì hờ hững, điều gì không làm rõ được thì không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua. Nếu như chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về… sẽ chỉ làm cuộc sống của chúng ta luôn nặng nề, phiền não.
10. Nửa đời về sau, hãy thường xuyên chúc phúc cho người khác.
Chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như vậy. Cho nên, hãy thường xuyên khen ngợi bạn bè, con cháu của mình, thậm chí cả người xa lạ cũng đừng tiếc một lời chúc phúc ! Khi bạn làm cho người khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn được nhân lên niềm vui.
Cầu mong cho mọi người chúng ta đều suy ngẫm và thực hiện được 10 điều trên, mong niềm an lạc sẽ đến cùng mọi người trong nửa đời còn lại.


Tuesday, April 14, 2020

Tại sao bạn luôn cảm thấy không hạnh phúc? Hãy áp dụng «Định luật Festinger»

Tại sao bạn luôn cảm thấy không hạnh phúc? 
Hãy áp dụng «Định luật Festinger»
Có một thực tế là 10% của cuộc sống được hình thành từ những việc xảy ra với bạn, và 90% của cuộc sống được quyết định bởi thái độ, phản ứng của bạn đối với những việc xảy ra với mình.

Đó chính là nội dung của «Định luật Festinger» được đưa ra bởi một nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Mỹ Festinger. Hay nói cách khác, 10% sự việc xảy ra trong đời là bạn không cách nào kiểm soát được nhưng 90% còn lại đều phụ thuộc vào chính bạn. Những cảm xúc tồi tệ, tâm trạng phẫn nộ sẽ không ngừng luân chuyển qua lại
Festinger đã đưa ra một ví dụ trong cuốn sách của mình, như sau:
Vào buổi sáng nọ, sau khi thức dậy, Festinger đi rửa mặt và tháo chiếc đồng hồ đắt tiền của mình để cạnh bồn rửa mặt, sợ đồng hồ bị nước làm ướt, vợ anh đã đem đặt nó lên bàn ăn. Con trai anh tới bàn ăn lấy bánh mì, bất cẩn đã làm chiếc đồng hồ rơi xuống đất và hỏng mất.
Festinger vô cùng yêu thích chiếc đồng hồ, tức giận nên đã đánh con trai một trận thật đau. Vẫn chưa nguôi giận, anh mắng vợ một hồi. Vợ anh thanh minh sợ nước làm ướt đồng hồ nên mới làm như vậy, Festinger nói đó là chiếc đồng hồ không thấm nước. Thế là hai người cãi nhau kịch liệt.
Vì quá tức giận Festinger đã không thèm ăn bữa sáng, lái xe tới công ty luôn, nhưng lúc sắp tới công ty thì đột nhiên nhớ ra mình quên mang cặp, lại lập tức trở về nhà. Nhưng trong nhà lại chẳng có ai, vợ thì đi làm, con thì đi học, Festinger lại để chìa khóa ở trong cặp, không có cách nào vào nhà, anh đành phải gọi điện cho vợ để lấy chìa khóa.
Vợ anh trong lúc hấp tấp chạy về nhà đâm vào một sạp hoa quả ven đường, chủ sạp giữ chị lại, buộc phải bồi thường mới cho đi.
Vào được nhà, lấy được cặp, Festinger đã đi trễ 15 phút và bị sếp gay gắt phê bình, tâm trạng lúc này đã vô cùng tồi tệ. Trước khi tan làm, vì một việc nhỏ mà anh lại cãi nhau với đồng nghiệp một trận nữa. Người vợ cũng bởi vì phải về nhà đưa chìa khóa cho chồng mà mất giải thưởng chuyên cần cả tháng.
Hôm nay con trai tham gia thi đấu bóng chày, vốn dĩ cậu bé hy vọng sẽ đoạt giải quán quân, không ngờ vì tâm trạng không tốt, không phát huy được khả năng, bị loại ngay từ vòng một.

Chiếc đồng hồ bị vỡ chính là 10% không thể kiểm soát, nhưng hàng loạt sự việc xảy ra sau đó là 90% còn lại, do không kiểm soát được 90% đó, nên mọi người đã biến ngày mới của mình trở thành ngày tai họa.
Giả sử Festinger không cư xử như thế, nhưng bước tới an ủi con: «Không sao, con trai. Bố sẽ mang đồng hồ đi sửa lại» – thằng bé sẽ vui vẻ, chị vợ thoải mái, bản thân ông không nổi giận, trễ giờ… những việc sau đó sẽ không có cơ hội xảy ra.
Có thể thấy, bạn không thể khống chế được 10% trước đó, nhưng hoàn toàn có thể dùng thái độ và hành vi của mình để quyết định 90% sự việc phía sau.
Trong thực tế cuộc sống, chúng ta thường nghe những lời ca thán như: Tại sao tôi lại kém may mắn như vậy, ngày nào cũng gặp phải những chuyện đen đủi, làm thế nào để tâm trạng tôi tốt hơn một chút, ai có thể giúp tôi đây? Đây chính là vấn đề về tâm lý của mỗi cá nhân. Thực ra không ai có thể giúp bạn ngoài chính bản thân bạn. Nếu như mọi người có thể hiểu và vận dụng thuần thục «Định luật Festinger» trong cách giải quyết, mọi chuyện sẽ được xử lý một cách thỏa đáng.
10% sự việc xảy ra trong đời là bạn không cách nào kiểm soát được nhưng 90% còn lại đều phụ thuộc vào chính bạn.
Hãy đồng cảm, ngưng phàn nàn sẽ giúp bạn tìm thấy hạnh phúc
Có một câu chuyện khác như sau:
Trong chuyến công tác của mình, một nhà văn đã tình cờ thấy một chiếc taxi rất đặc biệt. Người tài xế taxi ăn mặc rất lịch thiệp, xe cũng rất sạch sẽ. Nhà văn vừa mới ngồi xuống, liền nhận được một tấm thẻ vô cùng tinh xảo từ người tài xế, trên tấm thiệp viết: «Hành khách của tôi sẽ được đưa tới địa điểm một cách nhanh nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất bằng một sự thân thiện nhất».
Đọc xong tấm thiệp, nhà văn liền cảm thấy thú vị, bèn bắt chuyện với người tài xế. Người tài xế nói: «Xin hỏi, ngài có muốn uống gì không?» Nhà văn ngạc nhiên: «Không lẽ đi xe khách hàng còn được phục vụ đồ uống sao?»
Người tài xế cười nói: «Đúng vậy, tôi không chỉ có cà phê, còn có nhiều loại đồ uống khác, hơn nữa còn có nhiều loại báo khác nhau». Nhà văn nói: «Vậy tôi có thể uống một ly cà phê nóng được không?» Người tài xế ung dung rót cho nhà văn một tách cà phê nóng từ chiếc ly giữ nhiệt bên cạnh.
Sau đó lại đưa cho nhà văn một tấm thẻ, trên thẻ là tên của các loại báo khác nhau và các danh sách chương trình của các đài phát thanh khác nhau, «Times», «Sports News», «Today USA»…. thực sự rất đầy đủ. Nhà văn không xem báo, cũng không nghe nhạc. Mà ngồi nói chuyện cùng với người tài xế.
Trong khoảng thời gian đó, người tài xế quan tâm hỏi han nhà văn, nhiệt độ trong xe đã thích hợp hay chưa, có một con đường gần điểm đến hơn, nhà văn có muốn đi hay không. Nhà văn cảm thấy vô cùng ấm áp, thoải mái.
Người tài xế nọ nói với nhà văn: «Thực ra, lúc mới bắt đầu công việc này, xe của tôi không có sự phục vụ toàn diện như vậy. Tôi giống những người khác, thích phàn nàn, thời tiết xấu, thu nhập ít ỏi, ùn tắc giao thông và đường phố lộn xộn, mỗi ngày đều trôi qua rất tồi tệ. Cho tới một ngày, tôi ngẫu nhiên nghe được một câu chuyện trên đài phát thanh, làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Chương trình radio đó đã mời tới tiến sĩ Wayne Dyer – bậc thầy truyền cảm hứng, để ông giới thiệu về cuốn sách mới của mình.
Cuốn sách tập trung giải thích một quan điểm: Ngừng phàn nàn và ngừng ca thán mỗi ngày, làm như vậy sẽ khiến cho bất kỳ ai cũng đều có thể đạt được thành công. Ông ấy đã thức tỉnh tôi, cuộc sống tồi tệ trước đây của tôi thực chất chính do sự phàn nàn không ngừng của tôi tạo thành. Chính vì vậy tôi đã quyết định thay đổi.
Năm đầu tiên, tôi chỉ đơn giản mỉm cười với tất cả những hành khách tới với mình, thu nhập của tôi liền tăng gấp đôi.
Năm thứ hai, tôi dùng sự chân thành bày tỏ quan tâm tới vui, buồn, giận dữ của mỗi một hành khách, đồng thời an ủi họ, thu nhập của tôi lại tăng lên gấp đôi.
Năm thứ ba, cũng chính là năm nay, tôi đã biến chiếc taxi của tôi trở thành chiếc taxi năm sao hiếm có ở Mỹ. Ngoài thu nhập được nâng cao, tôi còn trở nên nổi tiếng, bây giờ nếu muốn đi xe của tôi, khách đều phải gọi điện đặt trước. Còn ngài là một khách hàng tôi thuận đường chở».

Nhà văn cảm thấy vô cùng kinh ngạc vì những điều người tài xế nói. Nhà văn không ngừng tự suy ngẫm về bản thân mình, thực ra trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn thường xuyên ca thán, phàn nàn. Ông quyết định sẽ thay đổi chính mình, ông dựa trên câu chuyện của người tài xế viết thành một cuốn sách.
Sau đó có độc giả sau khi đọc xong đã thử làm theo, cuộc sống thực sự đã thay đổi. Sự thay đổi này khiến cho nhà văn hiểu được việc ngừng phàn nàn, ca thán có sức mạnh lớn như thế nào.
Kỳ thực, ngưng ca thán, phàn nàn sẽ giúp bạn tìm thấy hạnh phúc. Chỉ cần mong muốn vượt qua khốn cảnh, thay đổi thái độ than thở, phàn nàn mà tích cực, chủ động làm những việc bạn nên làm bây giờ, như vậy nhất định sẽ gạt bỏ được khó khăn, tiếp tục theo đuổi những mục tiêu tiếp theo.

Vậy nên, hãy cùng nhau hạ quyết tâm, vứt bỏ thói quen phàn nàn không tốt này!

Sunday, March 1, 2020

Tình yêu của bố - Người làm con sẽ ứa nước mắt khi đọc xong



Tình yêu của bố
Người làm con sẽ ứa nước mắt khi đọc xong



Không giống như tình cảm ấm áp được thể hiện qua những cái ôm, những lời động viên ngọt ngào của mẹ, tình yêu của bố có thể gai góc, xù xì, có thể đanh thép bằng các hình thức kỷ luật nhưng bố luôn mong những điều tốt đẹp đến với con cái.

Bố luôn yêu thương con bằng bờ vai vững chãi!

Một tuổi, con lững chững tập đi, ngã không biết bao lần, mẹ xót xa muốn đỡ, nhưng bố bảo hãy để con tự đứng lên.

Ba tuổi, con lần đầu đến nhà trẻ, cảm xúc xa lạ khiến con không chịu buông tay, mẹ mủi lòng không nỡ. Bố gỡ tay, để con cho cô giáo rồi kéo mẹ về thật nhanh.

Lên cấp 1, vì món đồ yêu thích con đánh nhau với bạn đến xây xước chân tay. Mẹ đau lòng không thôi, bố lại phạt con thật nặng, bắt con phải xin lỗi.

Lên cấp 2, con vì mải game mà bỏ bê học hành, trốn học theo lũ bạn ngồi quán nét. Mẹ tức giận muốn đánh đòn, bố chỉ lặng lẽ đưa con đến trại trẻ mồ côi – nơi những đứa trẻ khát khao được đi học, được đến trường nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà không thể.

Lớn hơn, con theo bạn bè học hút thuốc, uống rượu, mẹ khóc cạn nước mắt còn bố chỉ ngồi xuống kể con nghe về căn bệnh ung thư phổi của ông nội.

Con cùng bạn đi khắp nơi, kéo dài hành trình tuổi trẻ, mẹ lo lắng không thôi, không muốn con đi. Bố lại để con đi và mong con thấy được thế giới bao la ngoài kia.

Lần đầu đi học đại học xa nhà, mẹ dặn con không được làm cái này, tránh cái kia. Lo con ngủ không ấm, ăn không no, sợ con bị bắt nạt thì bố lại dạy con hãy cứ tự tin đối mặt với những việc dù là con muốn hay không muốn. Chỉ cần là việc tốt thì đừng ngại khó khăn.

Vậy đấy, bố mẹ luôn có cách riêng để yêu thương chúng ta, chỉ là đôi khi bản thân lại luôn nhìn thấy sự quan tâm yêu chiều hàng ngày của mẹ, mà bỏ quên ánh mắt dõi theo, đồng hành của bố trên hành trình trưởng thành.

Bởi đôi lúc sự nghiêm khắc làm ta cảm thấy bố không thương mình, khiến cho tình cảm của 2 người thêm xa cách. Nhưng phải đến lúc tự mình chống đỡ với thế giới ngoài kia bạn mới biết những lần dạy bảo của bố đáng giá như thế nào.

Vì thế, hãy biết ơn và yêu thương bố khi còn có thể. Khi bố vẫn còn khỏe mạnh để chờ chúng ta về thăm, khi bố vẫn còn ở bên dạy ta những điều hay trong cuộc đời.

Đừng ngại khi bày tỏ tình yêu với đấng sinh thành, nếu không đến một lúc nào đó bạn sẽ phải hối hận.

Chúng ta luôn dễ dàng bày tỏ lời yêu với bạn bè, với người tình nhưng tại sao lại cảm thấy khó khăn khi nói một câu: «con yêu bố»?

Hay đơn giản, một cuộc điện thoại hàng ngày lúc đi xa, một cái ôm lúc trở về, một món quà đơn giản nhưng do chính tay bạn chọn nhân một ngày bình thường cũng đủ khiến bố hạnh phúc.

Hãy cảm thấy may mắn, vì trong suốt hành trình trưởng thành của mình, bạn có bố ở bên, nâng đỡ và đồng hành cùng.

Cuộc sống ngoài kia có sóng gió thế nào, con người ngoài kia có phản bội, phũ phàng với bạn ra sao thì bố vẫn luôn ở đó, là điểm tựa vững chắc nhất, an toàn nhất mà ta có thể dựa vào những khi mệt mỏi.

Đừng chỉ cảm động và chia sẻ những câu chuyện trên mạng, vì ngay bên cạnh bạn đã có một ông bố vĩ đại hơn bất cứ ai, bất cứ điều gì.

«Cảm ơn cuộc đời vì có bố bên cạnh, vì được là con của bố. Cảm ơn vì đã yêu con và con yêu bố» bạn đã sẵn sàng để nói?
-ST-