Saturday, March 20, 2021

Không có con dâu bất hiếu, chỉ có con trai không biết cách dung hòa

 

 

Không có con dâu bất hiếu, chỉ có con trai không biết cách dung hòa

Theo Đại Kỷ Nguyên

Quan hệ mẹ chồng nàng dâu tự cổ chí kim vẫn luôn là một đề tài nan giải. Đôi khi có một cuộc hôn nhân tươi đẹp, tìm được người bạn đời xứng đôi vừa lứa với mình nhưng lại gặp cảnh quan hệ mẹ chồng nàng dâu làm cho cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, vợ chồng xa cách.


Quan hệ mẹ chồng nàng dâu tự cổ chí kim vẫn luôn là một đề tài nan giải. (Ảnh: Soha.vn)

Từ xa xưa, quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn là vấn đề nhức nhối trong gia đình. Đôi khi một cuộc hôn nhân hạnh phúc cũng có thể bị rạn nứt bởi những chuyện cỏn con mà nguyên nhân lại từ chính xích mích giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều những gia đình mà mẹ chồng nàng dâu sống chung nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Mấu chốt chính là ở cách ứng xử của cả hai phía, đặt biệt là vai trò của người chồng ở giữa trong gia đình.

Mẹ chồng phải học cách buông

Có nhiều bà mẹ mãi chẳng thể học được cách buông tay con trai mình ra, dẫu con cái có trưởng thành nhưng vẫn xem như còn tấm bé lên ba, việc gì cũng muốn can thiệp, thậm chí là việc vợ chồng của con cái. Tuy nhiên, con người ta khi trưởng thành đều cần phải học cách chịu trách nhiệm đối với những việc mình làm. Đã là những việc giữa vợ chồng với nhau thì hai vợ chồng mới là người hiểu rõ nhất, dù có là ai can thiệp vào đi chăng cũng đều không thể tốt hơn chính vợ chồng với nhau được.

Con trai mình lấy vợ đó là việc nó chọn người bạn đời cho nó, chứ không phải là chọn con gái cho mình. Cho nên thân làm mẹ chồng chỉ có cách là học cách buông tay, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con cái, có như vậy con trai mình mới có cơ hội trưởng thành có tính độc lập được.

Video: https://video.tinhhoa.net/uploads/videos/Khong-co-con-dau-bat-hieu-chi-co-con-trai-khong-biet-cach-dung-hoa-Tinh-Hoa-TV.mp4

Mẹ đẻ của con dâu mình chỉ có một,
và đương nhiên người đó không phải là mình

Có một số mẹ chồng đến nay vẫn còn ôm giữ quan niệm xưa cũ cho rằng “phận con gái thì nhập gia tùy tục, gả cho nhà ai theo nhà ấy. Bản thân mình trước đây cũng từ đó mà ra”. Tuy nhiên, xã hội thay đổi, mỗi thời mỗi khác, mẹ đẻ con dâu mình chỉ có một, và người đó lại không phải là mình. Mẹ đẻ con dâu mình có thể đánh con dâu mình một tát, và hôm sau con dâu mình có thể sẵn sàng quên đi mọi việc. Tuy nhiên, nếu như thân làm mẹ chồng mà giáo huấn con dâu một câu thiếu tôn trọng, thì rất có thể người con dâu sẽ nhớ mãi trong lòng. Cho nên, thân làm mẹ chồng thì không nên yêu cầu con dâu hà khắc, hãy coi cô ấy như một người bầu bạn của con mình, là người nâng khăn sửa túi, chăm sóc cho con mình mà thôi.

Con dâu phải học cách tôn trọng, viên dung

Có câu: Mẹ già 90 vẫn thương con 71, người mẹ nào cũng muốn bênh con, trong mắt các bà mẹ thì con mình luôn hoàn hảo, luôn là ly vàng chén ngọc. Cho nên thường tự tận trong sâu thẳm luôn có quan niệm bênh vực con mình một cách vô điều kiện. Vậy nên khi mới cưới vợ cho con, các mẹ luôn mang tâm lý không tin tưởng để ly vàng chén ngọc của mình giao cho người khác, sẽ luôn có lý do là, xem xét.

Dẫu sao thì thân làm con dâu, chân ướt chân ráo về nhà chồng, sẽ có những thói quen, những ý kiến bất đồng, trước tiên hãy cứ học cách tôn trọng ý kiến của mẹ chồng, sau đó lựa việc mà làm. Cái nào đúng thì cứ đó làm theo, cái nào chưa thỏa mãn nhưng cũng chẳng ảnh hưởng đại cục thì vì thương chồng yêu con thì cũng hãy cứ viên dung cho phải đạo. Còn như việc ngang tai, mắt chẳng thuận lòng thì hãy tìm cách nhẹ nhàng mà góp ý khi thích hợp.

Không có con dâu bất hiếu,
chỉ có con trai không hiểu chuyện

Thường thì mỗi khi mâu thuẫn xảy ra, nhiều người đều chỉ trích “con dâu bất hiếu” mà không nghĩ rằng nguyên nhân lại nằm ở thái độ của người chồng.

Đàn ông muốn quan tâm chăm sóc cho gia đình thì trước tiên cũng phải xem lại chính mình đã làm đúng bổn phận hay chưa?

Người già thường khó cải biến quan niệm của mình, tuy nhiên nếu như người chồng trong gia đình lại không đứng ra dung hòa trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, vậy thì đây là lỗi của người chồng. Trong cuộc sống, mỗi một mối quan hệ đều cần có sự cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau. Và trong mối quan hệ vợ chồng thì điều đó lại càng thiết thực hơn.

Khi một người đàn ông yêu cầu vợ mình phải đối xử có hiếu với bố mẹ chồng, thì trước tiên cũng cần tự hỏi mình đã đối xử với bố mẹ mình cũng như bố mẹ cô ấy thế nào? Đã được tốt hay chưa? Khi một người phụ nữ đồng ý kết hôn với mình, chính là bởi cô ấy yêu mình, vậy cũng không lẽ gì mà cô ấy lại không thể yêu thương người đã chăm sóc và sinh thành người mà cô ấy yêu thương. Vậy nên, một người đàn ông muốn cho vợ sống có hiếu với bố mẹ chồng thì trước tiên cũng cần sống cho phải đạo trước sau đã.

Cũng như trong tình yêu, mỗi người đều mong muốn có được sự thương yêu, che chở. Nếu như chỉ có một bên mãi cho đi mà không được sự hồi đáp, còn một bên chỉ muốn nhận mà chẳng muốn cho đi thì sớm muộn mối quan hệ đó cũng đường ai nấy bước.

Một người đàn ông muốn mối quan hệ giữa mẹ và vợ mình được trong ấm ngoài êm, trước sau hòa thuận thì phải là người ở giữa đứng ra dung hòa cho hai phía, không thể bên trọng bên khinh. Bởi dẫu sao thì hoàn cảnh nhà mình cũng không phải là nơi cô ấy sinh ra và lớn lên, ít nhiều cũng có đôi điều khác biệt, thói quen sống, tính cách…

Có câu: “Người chồng thông minh sẽ dẫn dắt vợ trở thành nàng dâu hiếu thảo”. Khi người chồng hiếu thuận, biết quan tâm chăm sóc cha mẹ thì người vợ cũng từ đó noi gương. Không những vậy, thân làm chồng thì cần phải biết cách khéo léo dẫn vợ mình từ lạ thành quen, dần dần thích nghi với môi trường mới. Điều quan trọng hơn nữa là phải biết cách khiến cho mẹ mình và vợ mình xích lại gần nhau.

Một người đàn ông thông minh sẽ luôn biết cách tạo ấn tượng cho vợ mình trong mắt mẹ, luôn biết cách ghi điểm cho cô ấy, ví như: “Khi đối xử với mẹ tốt thì hãy khen đó là công lao của vợ, khi mẹ mắng vợ thì đừng có ở giữa mà làm người truyền tin”. Đúng là như vậy, nếu khi người chồng trong gia đình lại trở thành người truyền tin thì ắt sẽ khiến cho mối quan hệ này ngày càng xấu đi. Trong cuộc sống có rất nhiều những câu nói đều mang theo cảm xúc, đôi lúc người nói đi thì nhẹ nhưng người nói lại, lại thành nặng.

Không có ai đúng ai sai, là người ở giữa
thì không nên bênh một bên nào cả

Kỳ thực, mọi sự mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, tất cả đều bắt nguồn từ chính người con trai mà ra. Bởi vì có con trai mới có mẹ chồng, nàng dâu. Vậy nên, thân làm chồng thì lại càng phải ở giữa mà dung hòa cho hai phía. Mà suy cho cùng, mâu thuẫn của mẹ chồng nàng dâu cũng chẳng có gì to tát, nhiều lắm cũng chỉ là cơm canh, áo quần, nhà trước sân sau. Mẹ chồng thì sợ con dâu nấu ăn không hợp khẩu vị con trai mình, áo quần chưa biết cách chọn may. Con dâu thì thấy mẹ chồng xen vào việc riêng tư của hai vợ chồng nhiều quá, khiến mất tự do. Âu tất cả cũng đều là xuất phát từ tình thương đối với người mình yêu thương. Người đàn ông thông minh, tinh tế chính là người biết cách khiến cho cuộc sống của hai người phụ nữ quan trọng nhất trong đời mình được vui vẻ, hạnh phúc hòa ái bên nhau.

Theo Đại Kỷ Nguyên

Sunday, March 14, 2021

Cho đi là một niềm hạnh phúc, càng là một sự hàm ơn

 

 

Cho đi là một niềm hạnh phúc, càng là một sự hàm ơn

An Hòa

 

Người xưa có câu: «Hành thiện tối nhạc», làm việc thiện là vui sướng nhất. Lòng người quả thật vô cùng kỳ lạ, khi chúng ta làm bất kể việc gì không tốt thì trong lòng sẽ thấy bất an, không vui vẻ nổi, nội tâm cũng không thoải mái. Còn nếu làm việc thiện không vì điều kiện gì thì trong lòng chúng ta lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc của sự cho đi.

 

Một số người cho rằng, phải có điều kiện, có tiền bạc mới có thể giúp đỡ người khác, mới có thể cho đi. Nhưng kỳ thực, ngay cả khi chúng ta không có những thứ vật chất ấy, chúng ta vẫn có thể cho đi một cách rất ý nghĩa và hữu ích.

 

Đôi khi chỉ một lời nói động viên khích lệ, một cái nhìn hay một nụ cười ấm áp là chúng ta đã có thể chuyển một người buồn thành một người vui vẻ. Thậm chí chỉ bằng những cử chỉ nhỏ ấy, chúng ta đã có thể cảm hóa được một người ác thành người lương thiện hơn.


Cho đi là một niềm hạnh phúc, càng là một sự hàm ơn
(Ảnh minh họa: Grassmemo/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Tại một số nơi trên thế giới, người ta không chỉ cho đi một cách tự nguyện mà nó còn được xem là một «nguyên tắc ngầm» để quy định mọi người.


Câu chuyện của người Do Thái

 

Ở vùng nông thôn của đất nước Israel, mỗi khi đến vụ thu hoạch hoa màu chín, người ta sẽ để lại phần hoa quả ở bốn góc ruộng mà không thu hoạch. Bạn có biết vì sao không? Đó là phần hoa màu người ta để lại và bất kể ai cũng có quyền hưởng thụ.

 

Họ cho rằng, Thiên chúa đã ban cho người dân Do Thái vốn trải qua nhiều tai nạn nay được sống cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Vì thế, họ để lại hoa màu ở bốn góc ruộng với ý nghĩa tỏ lòng biết ơn Thiên chúa đã ban cho họ cuộc sống như ngày hôm nay, cũng vừa là để cung cấp thức ăn cho những người đói khổ đi ngang qua vùng đất.

 

Hoa màu là bản thân mình trồng được, giữ lại một chút cho người khác hưởng thụ, đó chính là sự chia sẻ, sự cho đi vô điều kiện. Họ cho rằng, cho đi, chia sẻ là một sự cảm ơn, một niềm hạnh phúc và càng là một thứ đạo đức tốt đẹp của con người thế gian.

 

Ngoài ra, hàng năm, người Do Thái đều tổ chức lễ hội Hanukkah (lễ hội ánh sáng) để gợi nhớ về sự sung túc. Vào dịp này, họ sẽ ở bên người thân và bạn bè tề tựu quanh một đài có nhiều nhánh để cắm nến mỗi đêm. Họ vừa thắp nến và vừa cầu nguyện.

 

Người Do Thái cho rằng sống với cảm giác sung túc khiến họ hạnh phúc hơn cả về vật chất và tinh thần. Và từ xưa đến nay, người Do Thái vẫn luôn được dạy dỗ để tiếp nhận quan niệm này.

 

Quan niệm sung túc của người Do Thái còn được thể hiện trong các điều răn, khuyên yêu thương người khác như yêu chính mình. Đó là bởi vì tổ tiên người Do Thái đều trải qua sự đau khổ và kiếp nô lệ. Nếu không có sự rộng lượng từ những người hàng xóm, từ những người lạ mặt, và từ Thiên chúa thì không ai có thể tồn tại được.

 

Vì thế, họ quan niệm rằng, cho đi đơn giản là việc đúng đắn cần làm, giống như lời của một vị giáo trưởng Do Thái nổi tiếng đã nói: «Không ai nghèo đi khi làm từ thiện cả».


Câu chuyện ở vùng nông thôn Hàn Quốc

 

Nguyên tắc «ngầm» về sự cho đi này không phải là chuyện «độc nhất vô song» của người Do Thái mà nó cũng xảy ra ở đất nước Hàn Quốc.

 

Ở ven đường của vùng nông thôn phía bắc Hàn Quốc có rất nhiều vườn hồng. Đến mùa thu hoạch, những người nông dân nơi đây đều để lại những trái hồng chín mọng ở trên cây. Vì thế, những trái hồng vừa to vừa chín mọng ở trên cây đã tạo thành một con đường có phong cảnh vô cùng đẹp. Du khách đi qua nơi đây ai cũng trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của con đường và vẻ quyến rũ của những trái hồng to chín mọng.



(Ảnh minh họa qua violet.vn)

Người dân địa phương ở đây nói rằng, cho dù những trái hồng có to đến cỡ nào đi nữa, có ngon đến cỡ nào đi nữa, họ cũng lưu lại để làm thức ăn cho chim Hỷ Thước. Vì sao lại có tập quán như vậy?

 

Nguyên lai, nơi này là nơi mà chim Hỷ Thước thường xuyên dừng lại. Mỗi khi mùa đông đến, chim Hỷ Thước đều kéo đến đây, xây tổ trên những cây hồng và sống sót qua mùa đông giá rét.

 

Năm ấy, trời đặc biệt lạnh, tuyết lại rơi rất nhiều. Hàng trăm chú chim Hỷ Thước vì không kiếm được thức ăn, lại lạnh giá nên trong một đêm mà chết hết.

 

Mùa xuân năm sau, những cây hồng ở đây lại nảy mầm xanh non, ra hoa và kết quả. Nhưng đúng lúc ấy, bỗng nhiên côn trùng từ đâu đến tạo thành một loại dịch họa, khiến cho năm đó hồng gần như không còn quả nào.

 

Từ đó về sau, mỗi năm đến mùa thu – mùa thu hoạch hồng chín, người dân nơi đây lại để lại một số hồng chín, làm thức ăn cho chim Hỷ Thước ăn qua mùa đông. Những trái hồng trên cây vừa to vừa ngon, hấp dẫn rất nhiều đàn chim Hỷ Thước đến nơi đây sinh sống qua mùa đông.

 

Chim Hỷ Thước dường như cũng biết ơn con người, đến mùa xuân, chúng không vội vã bay đi mà ở lại bắt sâu cho cây, cứ như thế năm nào cây hồng cũng cho ra những quả hồng chín mọng ngon ngọt.

 

Kỳ thực, cho người khác một con đường sống, thường thường cũng là cho mình sự hy vọng và cơ hội sinh tồn. Hết thảy giới tự nhiên, đều là sống dựa vào nhau, nhờ vào nhau mà sống. Cổ nhân cũng từng dạy: «Nhất vinh câu vinh, nhất tổn câu tổn», tức là một người vinh hoa thì tất cả vinh hoa, một người tổn hại thì tất cả tổn hại.

 

Cho đi là một sự khoái hoạt, vui vẻ. Bởi vì cho đi không phải là hoàn toàn mất đi, mà là một cách thu hoạch cao thượng. Cho đi là một niềm hạnh phúc, bởi vì cho đi càng có thể khiến tâm linh mình tốt đẹp. Nếu có thể, hãy nguyện ý cho đi nhiều hơn!

 

An Hòa

Friday, March 12, 2021

Trình độ văn hóa của con người được thể hiện qua tiểu tiết

 


Trình độ văn hóa của con người
được thể hiện qua tiểu tiết

https://www.facebook.com/tonydzung.com.vn/photos/a.920059914689090/4158143234214059/?type=3&source=58

Tony Dzung

1. Khi người khác rót nước cho mình, đừng chỉ ngồi yên nhìn người ta mà hãy đưa nay ra nâng cốc, điều đó thể hiện phép lịch sự.

2. Khi người khác nói chuyện với mình, ít nhất cũng phải đáp lại người ta một câu. Đừng để người ta nói xong một câu lại nhận về được sự im lặng hoặc câu nói À, Ừ, Ờ, đúng rồi cùng với sự khó chịu.

3. Nếu có người nhìn chằm chằm vào bạn, đừng nhìn thẳng vào người ta. Hãy giả vờ như mình không biết.

4. Là con gái, tuyệt đối không nên cả đời ngửa tay xin tiền đàn ông.

5. Dùng bữa xong nên nói: «Tôi ăn xong rồi, mọi người cứ ăn đi nhé!»

6. Khi đưa đồ cho người khác phải đưa bằng hai tay.

7. Ngồi ghế không nên vắt chéo chân.

8. Lúc ăn cơm nên cầm bát lên, không được dùng đũa đảo lộn thức ăn, không gõ bát đũa.

9. Người đi vào cuối cùng nên đóng cửa.

10. Tiễn người khác về nên nói: «Đi cẩn thận nhé!»

11. Rửa tay xong không nên tùy tiện vẩy tay, để nước bắn lên người khác sẽ rất bất lịch sự.

12. Khi đưa dao hoặc vật nhọn cho người khác, nên đưa phần chuôi hướng về họ.

13. Không nên công khai điểm yếu của người khác.

14. Khi người khác nói chuyện với mình hãy chú ý vào người ta, đừng đảo mắt nhìn xung quanh.

15. Khi rót trà hay rót nước cho người khác xong, không nên quay vòi ấm về phía họ.

16. Đi, đứng, ngồi, nghỉ cần đúng tư thế, tác phong.

17. Nói được phải làm được. Nếu không làm được thì đừng hứa.

18. Nếu trong phòng có người, khi ra ngoài nên đóng cửa nhẹ nhàng.

19. Cả thế giới này đều không tin vào nước mắt.

20. Khi đưa đồ cho người khác mà ở giữa cách một người, không nên đưa thẳng ra trước mặt người ta mà nên vòng qua phía sau.

21. Học cách dịu dàng và biết lắng nghe.

22. Đến chơi nhà người khác, đừng tùy tiện ngồi lên giường nhà người ta.

23. Ăn cơm cố gắng đừng phát ra tiếng.

24. Lúc nhặt đồ hoặc đi giày nên ngồi thấp xuống chứ đừng cúi người, khom lưng.

25. Khi bị phê bình, dù người khác có sai đi chăng nữa cũng đừng vội phản bác, nên đợi họ nói xong bình tĩnh lại hẵng giải thích.

26. Làm việc gì cũng nên có điểm dừng thích hợp, bất kể là ăn món mình thích hay tức giận điều gì đó.

27. Đến nhà bạn ăn cơm nên chủ động rửa bát hay xếp dọn bàn ăn.

28. Trong cuộc sống bạn sẽ phải gặp nhiều thể loại người khác nhau, chắc chắn không phải ai bạn cũng có thể hòa hợp được nhưng có một câu nói luôn đúng trong mọi trường hợp: Bạn đối xử với người khác thế nào, người ta sẽ đối xử lại với bạn như vậy.

29. Dù là ai, trong trường hợp nào cũng đừng dễ dàng kể bí mật của mình với người khác.

30. Học hành là chuyện cả đời. Chỉ học kiến thức trong sách thôi là chưa đủ, phải học cả kiến thức xã hội. Thực tế cuộc sống luôn phức tạp hơn những gì bạn nghĩ.

31. Dũng cảm nhất là khi nhận ra sự tàn khốc của cuộc sống nhưng vẫn yêu cuộc sống này cháy bỏng. Đừng sợ sự dối trá, nhưng cần phải biết cuộc sống luôn tồn tại sự dối trá.

32. Khi lau bàn nên lau hướng về phía mình.

33. Khi gọi điện thoại hoặc nghe điện thoại, câu đầu tiên phải luôn là: «Alo, chào.... ạ!». Khi tắt máy, nếu người kia là người lớn tuổi hơn bạn hoặc là cấp trên của bạn thì tốt nhất bạn nên chờ họ tắt điện thoại trước, còn nếu bạn là người lớn tuổi hơn hoặc cấp trên của họ thì bạn nên chủ động tắt máy trước, đừng để người ở đầu dây bên kia phải đợi.

34. Đừng khạc nhổ hoặc vứt rác bừa bãi. Nếu nơi đó không có thùng rác, hãy cầm rác về vứt vào thùng rác nhà mình.

35. Khi đi trên đường đừng đút tay vào túi áo.

36. Bất kể trong hoàn cảnh nào cũng nên đánh răng cẩn thận, đặc biệt là vào buổi tối.

37. Tuyệt đối đừng bao giờ bỏ bữa sáng. Nếu không ăn sáng thì cũng phải uống nước hoặc uống sữa.

38. Đỗ xe nên đỗ đúng nơi quy định, chừa không gian cho người khác mở cửa xe, đầu xe nên hướng ra phía ngoài để tiện rời đi.

39. Nếu là cửa thủy lực, dù là cửa đẩy hay cửa kéo cũng nên làm theo quy tắc «Ra trước vào sau». Nếu phía sau có người nên giữ cửa chắc, tránh để cửa bật lại va vào người khác. Khi có người mở cửa giúp mình đừng quên cảm ơn họ.

40. Phép lịch sự nên áp dụng đối với tất cả mọi người, bất kể họ là cấp trên, là người lớn tuổi, là nhân viên phục vụ hay là cô chú lao công bên đường.

Tony Dzung