Saturday, March 23, 2019

Hầu Hết Chúng Ta Sai Lầm, Ảo Tưởng Về Những Người Xung Quanh!



Hầu Hết Chúng Ta Sai Lầm, Ảo Tưởng 
Về Những Người Xung Quanh!
Đại đức Hae Min là một nhà tu hành người Hàn Quốc, từng giảng dạy về tôn giáo tại trường đại học Hampshire, Massachusetts. Ông xuất gia theo tông phái Tào Khê, một tông phái tiêu biểu của Phật giáo Hàn Quốc. Tại quê hương, đại đức Hae Min là một người rất có ảnh hưởng tới giới trẻ. Trang twitter cá nhân của ông hiện có hơn một triệu người theo dõi.

Đại đức Hae Min: «Vào khoảnh khắc nhận ra ba điều này, tôi đã hiểu ra mình phải sống như thế nào thì mới có thể trở nên hạnh phúc».
1. Mọi người trên thế gian này không quan tâm đến ta nhiều như ta tưởng đâu! Đó là một sự thật!
Chúng ta thường mắc một sai lầm chung, đó là sống dựa vào đánh giá của người khác. Nhưng có một nghịch lý là đối với họ, ta lại không quan trọng – như ta nghĩ. Có thể đôi lời khen chê của họ làm ta bận tâm suốt một tuần, thậm chí ám ảnh đến vài tháng, nhiều năm. Ấy vậy mà khoảnh khắc quan trọng ấy của ta, trong mắt mọi người, chỉ là thoáng qua chốc lát. Rồi họ lại quay về với cuộc sống riêng, với vô số mối quan tâm riêng.
Lấy ví dụ về scandal của những người nổi tiếng chẳng hạn. Chuyện thường thấy là khi xảy ra scandal, với sao càng «hot», càng có nhiều người bình phẩm. Thử nghĩ xem giả sử bạn là một người tham gia bình phẩm, thì chuyện về ngôi sao đó chiếm bao lâu thời gian trong tâm trí của chính bạn? Nó có quan trọng với bạn không, hay chỉ là nói xong rồi quên và quan tâm đến vô số thứ thật sự làm bạn bận tâm trong cuộc sống của mình? Với người nổi tiếng đã vậy, thì với chính chúng ta liệu vấn đề, câu chuyện của ta có đủ «đặc sắc», «hấp dẫn» để lưu lại trong tâm trí người khác không? Đến đây chắc chúng ta đã có câu trả lời!
Ngày hôm nay bạn mặc một bộ đồ rất hợp với gu của số đông, nhiều người khen bạn. Nếu bạn vui vì được khen, thế thì khi bị chê vì mặc xấu bạn có buồn?
Đừng như vậy! Bạn không cần một niềm vui mong manh quá dễ tan biến đến thế trong cuộc đời – thứ niềm vui phụ thuộc vào người khác. Hãy đi tìm một nguồn vui lâu bền hơn, ít bị phụ thuộc vào bên ngoài hơn. Đó là niềm vui thực chất, từ bên trong tâm của chính bạn.
Đại đức Hae Min viết: «Trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày, ta chỉ lo lắng cho người khác và chỉ trích người khác được một lát Rồi lại quay về với bản thân mình Như vậy trong suốt ngần ấy thời gian của cuộc đời Liệu có cần phải lo đến hình ảnh của mình trong mắt người khác hay không?» Đại đức Hae Min đã viết như vậy trong cuốn sách «Bước chậm lại giữa thế gian vội vã» (đã được dịch sang tiếng Việt).
2. Không cần phải khiến cho tất cả mọi người trên thế gian yêu quý mình.
Ngay cả Phật, Chúa còn không làm sao khiến cho cả thế gian yêu quý, thì bạn đừng giữ ảo vọng đó nữa! Tất nhiên cảm giác khi biết ai đó ghét mình thật không dễ chịu gì. Nhất là những người mình muốn được họ yêu quý. Nhưng sự thực là họ không hề yêu quý bạn, vậy là bạn sẽ buồn khổ, thậm chí là mang một nỗi đau?
Nhưng chính bạn cũng không thể yêu thích hết tất thảy mọi người cơ mà! Làm sao có thể yêu cầu một điều ngược lại?
Đại đức Hae Min viết: «Đó là tham vọng vượt quá giới hạn. Nếu ai đó ghét bạn, hãy nghĩ rằng đó là chuyện thường tình của thế gian. Và cho qua như không có gì cả». Vì việc tất cả mọi người đều yêu quý bạn là một điều không thể, nên hãy bớt dành năng lượng để khiến người ghét mình trở nên yêu mình, mà hãy mặc kệ rồi tiếp tục cuộc sống riêng của bạn. Xét cho cùng thì việc ai đó ghét bạn là vấn đề ở bản thân họ, chứ không phải do bạn.
3. Đừng chọn cho mình một cách sống quá khó khăn
Để mang đến hạnh phúc cho người khác, trước tiên bạn phải có hạnh phúc cho riêng mình. Như một cốc nước đầy, chỉ người có sẵn hạnh phúc mới có thể san sẻ hạnh phúc cho thế gian. Xét cho cùng, mọi điều chúng ta làm, phần lớn ở sâu thẳm bên trong, đều là vì chính mình, ngay cả những việc có vẻ như làm vì người khác: nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình, v.v… suy cho cùng cũng là để ta có một chỗ dựa, để ta cảm thấy an tâm. Và bởi vì mọi việc chúng ta làm thực chất đều vì chính mình được hạnh phúc, nên hãy cứ làm mọi điều mình thực sự muốn làm, chỉ cần điều đó không gây hại cho ai.
Đại đức Hae Min viết: «Vì bản thân ta phải hạnh phúc trước thì mới thấy thế gian này hạnh phúc Và phải như thế ta mới có thể làm cho thế gian hạnh phúc hơn nữa Tất cả chúng ta với cuộc sống này Loading… Đừng chọn cho mình một cách sống quá khó khăn» (Trích từ: Bước chậm lại giữa thế gian vội vã – Đại đức Hae Min)

Làm gì khi trẻ nổi nóng bướng bỉnh?



Làm gì khi trẻ nổi nóng bướng bỉnh?
Cách đơn giản này khiến cha mẹ bất ngờ:
Không cần khuyên bảo
Ngọc Hà
Là cha mẹ, chúng ta thường rất đau đầu khi những đứa con tỏ ra chán nản, bực bội hay có những yêu cầu vô lý. Chúng ta khuyên bảo, giảng giải nhưng chúng bướng bỉnh không chịu nghe, thậm chí còn hành xử tệ hơn.
Chuyên gia về giao tiếp giữa cha mẹ và con cái đưa ra một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả bất ngờ: công nhận cảm xúc của trẻ!
Trong cuốn sách bán chạy nhất được xếp hạng bởi Thời báo New York – «Nói sao cho trẻ chịu nghe & Nghe sao cho trẻ chịu nói», hai tác giả Adele Faber và Elaine Mazlish đã phân tích phản ứng của trẻ khi cha mẹ đáp lại cảm xúc buồn bực của chúng theo những cách khác nhau.
Phản xạ tự nhiên phổ biến của cha mẹ là khước từ cảm xúc của trẻ. Ví dụ: khi trẻ phàn nàn về việc thầy giáo gạch tên mình ra khỏi đội tuyển chỉ vì đi học muộn, bạn có xu hướng ngay lập tức «chỉnh» con rằng không được phép nổi khùng với thầy, rằng đó là lỗi của con, lẽ ra con phải đến đúng giờ chứ, v.v...
Thực ra, bạn đang dùng lý lẽ để giáo dục con, nhưng lại quên mất rằng khi trẻ đang trong tâm trạng buồn bực, cảm xúc sẽ lấn át lý trí và chúng khó có thể tiếp nhận giáo huấn gì. Khi phải nghe lời răn dạy, chúng có thể sẽ càng tức giận hơn, không kiềm chế nổi và nói hỗn với bạn. Bạn sẽ phát cáu vì đứa con «không biết phải trái», kết tội chúng, thế là hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ và con cái càng ngày càng rộng ra.
Vì vậy, cách tốt nhất là: giúp trẻ xử lý cảm xúc của chúng. Sau khi bình tĩnh lại, chúng sẽ có thể tự tìm ra nguyên nhân và tháo gỡ vấn đề. Đến lúc này, những đạo lý làm người mới có thể được con trẻ tiếp thụ.

Hình ảnh minh hoạ từ cuốn sách
«Nói sao cho trẻ chịu nghe & Nghe sao cho trẻ chịu nói»
của Adele Faber và Elaine Mazlish
Trong cuốn sách, Faber & Mazlish đã kể lại một câu chuyện thú vị được chia sẻ bởi một vị phụ huynh. Cậu bé con ông vừa đi học về đã hét ầm lên rằng:
«Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!».
Nếu người cha theo phản xạ khước từ cảm xúc của cậu bé, thì cuộc đối thoại sẽ diễn ra như sau:
Con: «Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!»
Cha: «Sao vậy? Có chuyện gì xảy ra?»
Con: «Nó quẳng tập của con xuống đất!»
Cha: «Hừ, con đã làm gì nó trước phải không?»
Con: «Không!»
Cha: «Con chắc chứ?»
Con: «Con thề, con không bao giờ đụng tới nó.»
Cha: «Hừ, Michael là bạn của con. Nếu làm theo lời khuyên của ba thì con sẽ quên chuyện đó liền. Con biết là con đâu có ngoan hoàn toàn. Đôi khi con bất thần kiếm chuyện rồi đổ lỗi cho người khác – giống như cách con hay đổ thừa cho anh vậy.»
Con: «Không phải. Nó kiếm chuyện với con trước… mà thôi, con không nói chuyện với ba nữa!»
Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Vì ông đơn giản là chỉ lắng nghe những gì con nói, công nhận cảm xúc của con, cuộc đối thoại trở thành như sau:
Con: «Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!»
Cha: «Trời, con tức giận quá.»
Con: «Con muốn đấm vào giữa cái mặt phèn phẹt của nó!»
Cha: «Con phát điên với nó đến thế cơ!»
Con: «Ba có biết cái thằng bắt nạt đó đã làm gì không? Nó giật tập của con ở trạm xe buýt và quẳng xuống đất. Vô cớ!»
Cha: «Hừmm!»
Con: «Con cá là tại vì nó tưởng con đã làm bể con chim bằng đất sét thô thiển của nó trong phòng mỹ thuật!»
Cha: «Con nghĩ vậy à.»
Con: «Phải đó, ba. Nó cứ nhìn chằm chằm vào con trong lúc nó la thét.»
Cha: «Ồ.»
Con: «Nhưng con đâu có làm bể. Con đâu có làm.»
Cha: «Con biết rõ là con không làm.»
Con: «Ừm, con không cố ý! Con đâu thể tránh được khi thằng ngốc Debby xô con vào bàn.»
Cha: «Thì ra Debby xô con.»
Con: «Đúng rồi. Nhiều thứ đổ ụp xuống, nhưng món duy nhất bị bể là con chim. Con không cố ý làm bể nó. Con chim của nó khá đẹp.»
Cha: «Ờ, đúng là con không cố ý làm bể nó.»
Con: «Dạ. Nhưng nó không tin con.»
Cha: «Con không tin là nó tin con nếu con nói cho nó nghe sự thật.»
Con: «Con không biết… Để con thử nói với nó xem sao – cho dù nó có tin con hay không. Con nghĩ nó nên xin lỗi con vì đã quẳng tập con xuống đất!»
Người cha rất kinh ngạc. Ông không hề hỏi một câu nào và đứa trẻ tự động kể cho ông nghe toàn bộ câu chuyện. Ông không khuyên răn lời nào mà đứa con tự tìm ra hướng giải quyết của nó. Ông dường như không thể tin nổi mình lại giúp đỡ đắc lực cho con chỉ bằng cách lắng nghe và công nhận cảm xúc của nó.
Nếu như chúng ta lớn lên với những trải nghiệm bị khước từ cảm xúc, thật khó để trở thành những ông bố bà mẹ dịu dàng, cảm thông, tâm lý với các con. Nếu những gì chúng ta học được từ ông bà của lũ trẻ chỉ là đe nẹt, quát mắng và làm ngơ, sẽ không dễ dàng để lắng nghe chúng trút giận và công nhận cảm xúc của chúng. Có lẽ vì thế mà quá trình nuôi dạy con cũng là hành trình học hỏi, trưởng thành của cha mẹ. Qua những mâu thuẫn phát sinh, chúng ta học được cách lắng nghe bằng sự kiên nhẫn, thông cảm với lòng bao dung, lý giải vấn đề một cách thiện ý và chân thành.
Ngọc Hà